Quê hương học tập Đại tướng
Những ngày này, về xã Hưng Hòa (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đâu đâu cũng bắt gặp không khí kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân. Từ một xã thuần nông, “vùng trũng” của TP Vinh, giờ đây quê hương của Đại tướng đã thực sự “thay da đổi thịt”.
Đê Tả Lam năm nào nay đã hình thành con đường thảm nhựa đẹp mang tên Đại tướng, phía ngoài sông Lam là rừng bần, nay thành điểm du lịch sinh thái; bên trong đê xưa kia là đồng cói, nay là công trường xây dựng các khu đô thị. Trong làng, thay cho những ngôi nhà lụp xụp là hàng hàng lối lối nhà cao tầng, biệt thự.
Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Hòa, chia sẻ, phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Hòa đã đoàn kết một lòng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương Đại tướng Chu Huy Mân. Năm 1999, xã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, năm 2015 xã được công nhận là xã nông thôn mới. Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2020 tốc độ tăng trưởng của xã mới đạt 6,9%, nhưng đến nay là 11,1%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 39,3 triệu đồng/người/năm, đến nay là 43,8 triệu đồng/người/năm...
Trong năm 2023, xã hoàn tất các công việc để đón xã nông thôn mới nâng cao, kỷ niệm 70 năm thành lập xã. Những kết quả đạt được là những “bông hoa nhỏ” mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Hòa kính dâng lên Đại tướng nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.
Đại tướng với đồng đội và con cháu
Trong Nhà lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân, ông Chu Huy Biên (gọi Đại tướng là chú ruột) đang lau chùi những tấm ảnh, kỷ vật. Ông tỉ mẩn lau đi lau lại tấm ảnh lớn treo trang trọng trên tường cao. Tấm ảnh này chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Lê Trọng Tấn trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Biên lần giở cho chúng tôi xem những trang bút tích của lãnh đạo, quân, dân đã đến đây và ghi lại cảm tưởng. Chẳng hạn, bút tích của cố Thượng tướng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Đại tướng Chu Huy Mân - một chiến sĩ cộng sản kiên trung, rất kiên định cách mạng, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một đạo đức cách mạng mẫu mực. Đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo”.
Đứng lặng hồi lâu bên cuốn sách “Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam”, ông Biên rơm rớm nước mắt: “Cuốn sách này chú viết khi đang nằm trên giường bệnh thời gian cuối đời, chú đọc cho thư ký chép. Ai cũng khuyên ngăn, nói chú nghỉ ngơi, dưỡng bệnh nhưng chú không nghe, quyết hoàn thành cuốn sách như muốn truyền lại tâm huyết, trí tuệ, tình cảm cho thế hệ sau”.
Đi sang một góc khác, ông Biên giới thiệu cho chúng tôi xem những lời dặn dò của Đại tướng với con cháu, khi ông bước vào tuổi 92. Đại tướng căn dặn: “Mỗi người phải có trách nhiệm với mọi người. Đạo lý và chân thành là sức mạnh. Trong họ ta và gia đình ta phải thực sự đoàn kết, thương yêu và đùm bọc nhau; chăm lo nuôi dưỡng các cháu, chắt sớm có chí hướng học tập tốt, nhân cách tốt và sức khỏe tốt, trở thành người có ích cho xã hội, gia đình và bản thân. Mỗi gia đình và mỗi người cần khuyến khích phát huy cao những gì tốt đẹp mà tổ tiên, ông cha để lại, xây dựng gia đình văn hóa tốt đẹp, bền vững”.
Niềm tự hào của quân và dân Quân khu 5
Trong đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Chu Huy Mân có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Quân khu 5 thời kỳ đầu cách mạng và thời kỳ ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam ngày càng ác liệt, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng điều vào chiến trường Khu 5 đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng: Phó Bí thư Khu ủy 5, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 (1964-1965), Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965-1967), Phó Bí thư Khu ủy 5, Phó Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu 5 (1967-1975), Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 (1975-1976).
Thượng tướng Chu Huy Mân (tháng 11-1977) thăm hỏi các cán bộ quân đội sắp đi công tác về các tỉnh miền núi. Ảnh: Tư liệu |
Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Chính ủy Quân khu 5, nêu rõ: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên dải đất Nam Trung bộ, Quân khu 5 mãi nhớ Đại tướng Chu Huy Mân, người có công rất lớn, góp phần đưa Quân khu 5 đi đầu diệt Mỹ”. Trung tướng Trịnh Đình Thạch đơn cử, chỉ với “Vành đai diệt Mỹ” đã thể hiện rõ tài năng của đồng chí Chu Huy Mân.
“Vành đai diệt Mỹ” là hệ thống làng xã chiến đấu liên hoàn bao quanh, áp sát căn cứ quân sự của Mỹ, vây hãm, tiêu hao, tiêu diệt địch. Đây là một hình thức đánh giặc sáng tạo, độc đáo, phù hợp với quy luật của chiến tranh nhân dân phát triển cao trên chiến trường Quân khu 5. Chính ủy Chu Huy Mân rất coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị trên “Vành đai diệt Mỹ”.
Đồng chí chỉ đạo tiến hành toàn diện, linh hoạt các mặt công tác từ quán triệt chủ trương của Đảng, mệnh lệnh của người chỉ huy đến giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng; tiến hành công tác tổ chức cán bộ, xây dựng các lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tạo nên nội lực to lớn cho các thành phần bám trụ trên các vành đai trực tiếp chiến đấu ngày đêm với địch.
Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5, đánh giá: “Có thể nói, Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân là người chỉ huy tầm cỡ chiến lược, tài ba chiến dịch, sắc sảo chiến thuật, luôn tìm mọi cách buộc địch đánh theo cách đánh, thế trận bày sẵn của ta để giành thế chủ động trên chiến trường, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Quân và dân Quân khu 5 rất đỗi tự hào, kính trọng về một vị tướng tài năng, đức độ, mạnh cả về quân sự và chính trị. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân đã để lại cho quân và dân Quân khu 5 nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy hết sức quý báu, là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 ngày nay học tập và noi theo”.