"Với Ký, theo bác cháu càng xây dựng gia đình sớm càng tốt… Nếu khó khăn gì bác sẽ giúp cho”. Lời dặn ấy của bác Phạm Văn Đồng hôm được gặp bác (ngày 18-8-1970) đã giúp tôi thêm tự tin trong việc quyết định đi tìm “nửa thứ hai” của mình. Ngày vui trăm năm đã đến, tôi nhớ ngay việc viết thư báo hỷ để bác mừng cho việc tôi đã thực hiện “xuất sắc” lời dạy tâm thành, sáng suốt của bác chỉ sau đó mấy tháng. Nào ngờ ít ngày sau tôi nhận được quà mừng của bác.
Hôm đó vào một chiều bên thềm xuân Tân Hợi 1971. Bà xã vừa từ Trường Sư phạm Nam Bình về nghỉ tết sau gần một tháng biền biệt xa nhau ngay sau đêm tân hôn. Niềm vui nhân mãi niềm vui. Chúng tôi hớn hở hoan hỷ mở quà. Một tấm vải kaki Trung Quốc màu ghi xám chừng 4m. Có lẽ bác muốn tặng tôi để may bộ đồ đại cán lên lớp cho đàng hoàng, nhất là vào mùa đông. Một tấm lụa trắng muốt cũng chừng 4m. Có lẽ bác muốn dành để vợ tôi may áo dài. Một phong thư nho nhỏ xinh xinh chừng bằng nửa chiếc bì thư bình thường trong có tấm danh thiếp ngắn gọn do chính tự tay bác viết và ký tên: “Nhân dịp năm mới, đồng thời nhân việc vui lớn của cháu, bác thân ái gửi đến cháu Ký và cháu Nhiễu những lời chúc mừng tốt đẹp nhất của bác. Chúc hai cháu hạnh phúc, tiến bộ và giành thành tích mới. 25-1-1971”. Đặc biệt hơn trong gói quà có chiếc khăn trùng tên với N (Nhiễu).
Thật ân tình, gần gũi quá. Tâm lý quá. Sâu sắc cao cả quá! Món quà vô giá đó đã nhân lên gấp bội lần hạnh phúc thuở ban đầu của chúng tôi. Nhiễu vội mở tấm vải lụa khoác lên người. Rồi choàng tấm khăn lên cổ. Đến trước tấm gương lớn, nàng xoay đi xoay lại ngắm nghía không chán mắt. Tôi sung sướng phụ họa luôn: Tuyệt quá em ơi! Em mặc áo dài hợp lắm. Nhất là màu trắng như thế này càng nổi. Thôi, mai em đi may luôn đi. Tết sắp đến rồi, ta cũng phải “lên đời” một tí chứ. Nàng nhìn tôi cười mãn nguyện:
– Vậy là tết này vợ chồng ta đều có bộ đồ mới rồi. Vui quá. Em cứ lo tết mà hai đứa vẫn khoác bộ y phục cũ hôm cưới thì buồn quá. Em không thể tưởng tượng nổi tại sao bác Đồng với ngàn việc trọng đại mất còn của đất nước từng giờ, từng phút như vậy thời gian đâu mà vẫn quan tâm đến vợ chồng mình một cách cụ thể, thiết thực, chu toàn đến vậy.
– Ừ, bác Đồng là thế đấy. Em biết không. Thời gian với bác là siêu vàng ngọc. Ấy vậy mà khi anh gửi biếu bác quyển Những năm tháng không quên, bác nói bác đọc hết, có đoạn tới hai lần cơ đấy. Thầy Mai kể với anh bác có nhờ anh Việt Phương (thư ký của bác) hỏi thầy nhân vật L mà anh kể trong sách có phải là Liễu vợ Ký bây giờ không. (Chả là khi viết thư báo hỷ cho bác tôi vô tình ghi tên bà xã là Hồng Liễu). Thầy Mai nói với bác là không phải. Tên vợ Ký bây giờ là Hồng Nhiễu chứ không phải nhân vật Liễu như Ký kể trong sách tự truyện. Và chính điều đó đã gợi ý bác tặng em chiếc khăn quàng hồng nhiễu đấy chăng. Thật tuyệt vời quá.
Dừng giây lát. Nhiễu lặng lẽ chớp chớp mắt, gấp lại tấm vải lụa và chiếc khăn xếp vào tủ. Bất chợt trong tôi lại hiện về câu chuyện cảm động giữa bác Đồng với nhà văn Nguyên Hồng mà tôi mới được nghe. Thế là tôi kể luôn cho Nhiễu nghe trong sự xúc động khôn cùng. Một chiều có việc, xe chở bác đi qua một phố lớn ở Hà Nội. Tình cờ bác nhận ra nhà văn Nguyên Hồng đang đạp chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô cũ rích. Khi gần đến trụ sở Hội Nhà văn ở phố Nguyễn Du, chiếc xe tuột xích, Nguyên Hồng hì hục dừng xe ngồi lắp. Bác Đồng lắc đầu, chép miệng và buông một tiếng thở dài nhẹ. Ngay hôm sau Nguyên Hồng bất ngờ có người mang đến tặng ông một chiếc xe đạp Thống Nhất mới tinh, nói là Thủ tướng gửi biếu. Nguyên Hồng, nhà văn nổi tiếng vậy mà trong giây phút ấy không sao cất lời lên được. Ông chỉ biết đứng chựng như trời trồng trong dòng lệ ào ạt tuôn trào.
Con người bác Đồng là thế đó. Sự quan tâm của bác bao giờ cũng chân tình, lặng lẽ, rất sâu sát và kịp thời, bất ngờ đến mức làm cho người được quan tâm cứ tưởng mình đang trong mơ.
Nguyễn Ngọc Ký