Kỷ niệm 105 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 _ 7-11-2022): Những bài học quý báu nhất


LTS: Đã 105 năm, dưới sự lãnh đạo của chính Đảng tiền phong do V.I. Lênin vĩ đại đứng đầu, quần chúng công-nông Nga đã làm nên một sự kiện làm rung chuyển toàn thế giới: Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, khai sinh chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử loài người. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng lao động và giải phóng con người; con đường của phát triển và tiến bộ xã hội.


Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị của khóa huấn luyện quân sự toàn dân 25-5-1919, Ảnh: TƯ LIỆU
Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị của khóa huấn luyện quân sự toàn dân 25-5-1919, Ảnh: TƯ LIỆU

Tháng 10-1967, kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc cho Báo Pravda (Sự thật) của Liên Xô. Bài viết sau đó được đăng trên Báo Nhân dân số 4952, ngày 1-11-1967. Trong bài viết này, Người nêu rõ: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”. 

Lênin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết. Tranh họa sĩ V.Xê-rốp

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ “giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ngày càng thấm nhuần những lời dạy của Lênin và những bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười”, đó là 7 bài học:

(1) Cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.

(2) Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng.

(3) Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và trên cơ sở liên minh công nông ngày càng vững chắc, trong mỗi giai đoạn cách mạng, cần tập hợp mọi lực lượng cách mạng và tiến bộ thành một mặt trận rộng rãi, thực hiện thống nhất hành động dưới nhiều hình thức giữa các lực lượng ấy để chống kẻ thù chung.

(4) Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền. Tùy tình hình cụ thể mà quyết định những hình thức đấu tranh cách mạng thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách mạng.

(5) Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản.

(6) Cần có tinh thần cách mạng triệt để, luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, kiên quyết đấu tranh đến cùng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

(7) Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

Vận dụng các bài học quý báu này trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có nhiều cách tiếp cận. Tuy nhiên, có thể thấy, bài học đầu tiên vô cùng quan trọng và gần như đóng vai trò quyết định để cách mạng thắng lợi.

Ở bài học này, có 2 vấn đề lớn cần quan tâm: thứ nhất, “cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân”, và thứ hai, (đảng đó phải) “toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Với vấn đề thứ nhất, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhận định: “Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Điều đó thể hiện rõ trong các thời kỳ cách mạng. 

Đặc biệt, khi nước ta cơ bản vượt qua đại dịch Covid-19, chính sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã giúp đất nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời đã có bước phục hồi kinh tế vô cùng ngoạn mục. Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021, ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức tăng của bình quân 10 tháng năm 2020 (3,71%)… Mức tăng trưởng GDP năm 2022 được các tổ chức quốc tế dự báo khá lạc quan, ở mức từ 7,5%-8,2%. Đây là các chỉ số rất tích cực, nhất là sau thời gian dài cả nước phải căng mình chống dịch và những đình trệ về kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Với vấn đề thứ hai, là sự đòi hỏi về bản chất và năng lực của Đảng, thông qua phẩm chất, đạo đức của đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bài viết Phải theo đúng kỷ luật của Đảng (Báo Nhân dân ngày 22-8-1954): “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Để làm được điều đó thì cán bộ, đảng viên phải hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lo trước cái lo của nhân dân, vui sau cái vui của nhân dân. 

Đồng thời, Đảng phải không ngừng làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng. Thời gian qua, Đảng ta đã rất kiên quyết xử lý một bộ phận đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 167.700 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên liên quan đến tham nhũng. 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng…

Suy cho cùng, một đảng “toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân” thì hẳn đó là một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân và như thế nhất định sẽ giữ được vai trò lãnh đạo của mình. Cho nên, bài học đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười do Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định có thể xem là bài học quý báu nhất, đồng thời cũng là một lời căn dặn của Người đối với Đảng ta, với tất cả các cán bộ, đảng viên, không chỉ trong giai đoạn hiện nay! 

Tin cùng chuyên mục