Gần gũi, thấu hiểu đồng đội
Tại tọa đàm giao lưu, vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại do Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh TPHCM phối hợp Thành đoàn TPHCM tổ chức ngày 28-2, bà Phạm Thị Hưng đã chia sẻ về món quà tinh thần đầy tình cảm mà các nữ chiến sĩ Trung đoàn 592 đã nhận được từ vị Tư lệnh ngay tại chiến trường khốc liệt. Với các nữ chiến sĩ, nếu hôm trước họ khóc vì đau đớn trước sự hy sinh của đồng đội, thì hôm sau họ lại rưng rưng xúc động với sự tận tình chăm lo của đồng chí Tư lệnh. Với bà Hưng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng quan tâm, chăm lo đến cuộc sống từng chiến sĩ.
Không tham gia từ những ngày đầu mở đường, không được chứng kiến sự vất vả, gian lao của đồng đội đi trước, nhưng khi đặt chân đến vùng đất lửa Quảng Bình vào những ngày tháng 7-1971, bà Bùi Thị Sơn, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn TPHCM, đã hình dung ra sự ác liệt của cuộc chiến bảo vệ con đường Trường Sơn huyền thoại. Theo bà, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, có một kỳ tích của bộ đội Trường Sơn, chính là xây dựng và hình thành một hệ thống giao thông chi viện cho miền Nam. Kỳ tích đó được lập nên từ công sức của hàng chục ngàn chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, bởi sự chung sức của tập thể Bộ Tư lệnh đoàn 559 - mà công lớn là ở Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Đường Trường Sơn đã trở thành một tuyến giao thông chiến lược, với cả hệ thống như trận đồ bát quái xuyên rừng rậm.
Qua lời kể từ ký ức của các đại biểu, thế hệ thanh niên hôm nay tham dự tọa đàm cảm nhận được hình ảnh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ là vị tướng tài ba mà còn là người thủ trưởng đầy tình yêu thương với đồng chí, đồng đội của mình.
Nhà sáng tạo chiến lược tài ba
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thượng tá Bùi Hữu Tuệ, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Chi nhánh phía Nam, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết, gần 10 năm với vai trò là Tư lệnh chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những sáng kiến táo bạo, đi trước yêu cầu phát triển của nhiệm vụ chi viện chiến trường. Một trong những sáng kiến ấy chính là thành lập các sư đoàn khu vực, tiến tới sư đoàn binh chủng, đã cho thấy tầm nhìn và tính hiệu quả của công tác chi viện.
Thượng tá Bùi Hữu Tuệ bày tỏ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là nhà sáng tạo trong chiến lược mà thời ấy sách vở hay nhà trường quân sự chưa viết đến. Đó là câu chuyện trong một lần đồng hành cùng chiến sĩ lái xe chở hàng vượt trọng điểm, khi máy bay địch đánh phá, đường bị tắc, lái xe buộc phải dừng lại, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra phương án chỉ huy hiệp đồng tác chiến binh chủng trên toàn tuyến Trường Sơn. Đó là pháo binh hướng nòng pháo theo sát bánh xe lăn để đánh máy bay địch, bảo đảm cho đoàn xe hành tiến, bảo vệ công binh và thiết bị máy móc trong quá trình thông đường.
Bày tỏ tình cảm với vị tướng tài ba của Trường Sơn, Đại tá Bùi Nam Từ, cựu chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã từng thực hiện nhiệm vụ ở một số trọng điểm ác liệt nhất trên tuyến chi viện Trường Sơn, cho biết, chính sự tài tình, sáng tạo của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã giúp người chiến sĩ lái xe an tâm vượt mọi dặm đường.
Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP, thông tin, từ khi chiến tranh chống Mỹ chưa chấm dứt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có ý định xây dựng đền thờ chiến sĩ hy sinh tại Trường Sơn. Đó cũng là điều thôi thúc Báo SGGP thực hiện chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”. Theo Đại tá Trần Thế Tuyển, qua 3 năm, chương trình đã vận động được hơn 150 tỷ đồng để thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa tại Trường Sơn. Trong đó, đã xây dựng 5 ngôi đền trên đỉnh Trường Sơn, 20 bệnh xá, tặng 1.500 ngôi nhà tình nghĩa dọc theo tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Lắng nghe những chia sẻ đầy cảm xúc, sự yêu mến, ngưỡng mộ của các thế hệ đi trước dành cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, anh Đặng Văn Khoa, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ Thành đoàn, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, bày tỏ lòng biết ơn, tự hào khi được truyền lửa từ người đi trước. Theo anh Khoa, thế hệ đi trước đã dành cả tuổi thanh xuân ở chiến trường để hôm nay đất nước được tự do, giàu đẹp, thế hệ sau, nhất là tuổi trẻ thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, hứa sẽ đoàn kết để xứng đáng là thế hệ tiếp theo của thời đại anh hùng ấy.