Đâu chỉ có cơm áo
Đất nước đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày hòa bình về trên quê hương, cơm no bụng, áo lành lặn đã là đủ, mọi nhu cầu khác tạm gác lại phía sau. Nhưng liệu lòng người đã kịp yên ổn sau ngần ấy năm chiến tranh, chia cắt? Đây là đô thị đặt nhiều cơ quan đầu não của chế độ cũ, người bên này bên kia cuộc chiến, giới trí thức, văn nghệ sĩ đều có đủ… Thời điểm ấy, bài toán hòa hợp con người đầy khó khăn và thách thức, bên cạnh việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.
Mấy ngày này, muốn gặp cô Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, không dễ, bởi từ Đường sách TPHCM đến những nơi khác, cô đang chung tay cùng thực hiện những chương trình ý nghĩa về chú Sáu Dân. Vậy mà khi gặp mặt, nói qua chút chuyện là cô kể ngay những ký ức như mới hôm qua.
Cô nói: “Chú Sáu Dân thường hay nhắc, hoàn cảnh lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng của chú cũng như vậy. Bởi vậy, sau giải phóng, đâu chỉ lo chuyện đời sống người dân no đủ là xong đâu, chú Sáu nghĩ ngay đến chuyện tinh thần, phải làm cho mọi người yên tâm, vững lòng trước, dù là bên này hay bên kia. Chú lắng nghe và tạo điều kiện cho mọi người được yên tâm công tác đúng chuyên môn, thế mạnh của mình. Với văn nghệ sĩ cũng vậy, chú nghe nguyện vọng của họ, chỉ khi nào ai thực sự không còn muốn cống hiến nữa thì thôi, còn lại sân khấu vẫn sáng đèn, cải lương, kịch nói, văn học… vẫn đều đặn biểu diễn phục vụ công chúng, độc giả. Lực lượng văn nghệ sĩ lúc đó có những người từ trong chiến khu ra, lớp nghệ sĩ ngoài Bắc vào và các nghệ sĩ nội đô Sài Gòn lúc đó. Tất cả mọi người còn muốn phục vụ nhân dân, còn đam mê với nghệ thuật đều được đối đãi như nhau. Những đêm hát, đêm diễn vẫn tổ chức đều đều…”.
Các thiết chế văn hóa cơ sở lúc ấy vẫn được giữ trọn và phát huy thêm để phục vụ đời sống tinh thần. Sân khấu dẫu là đơn sơ nhất nhưng dân mình phải được nghe hát cải lương, coi kịch, coi tuồng… trên quê hương mình. Cô Thế Thanh kể thêm: “Sân khấu, rạp hát trong nội đô thành phố thôi vẫn chưa đủ, từ những chỉ đạo của chú Sáu Dân (lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM), phía Sở Văn hóa - Thông tin lúc đó là chú Sáu Thảo (ông Dương Đình Thảo) làm giám đốc tổ chức những chuyến xe đưa văn nghệ sĩ ra phục vụ ngoại thành và về các tỉnh thành lân cận ở miền Tây Nam bộ. Chỗ nào có sẵn sân khấu rồi thì mình phát huy thêm, chỗ nào chưa có thì mình bắt đầu dựng, sân khấu lúc ấy cũng đơn giản lắm, cái chính là đời sống tinh thần người dân phải được đáp ứng bên cạnh chuyện cơm áo, mưu sinh”.
Nhớ lại những ngày sau giải phóng, cả xóm ai cũng trông tin đoàn hát lưu động về phục vụ, bà Nguyễn Thị Út (78 tuổi, ngụ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM) kể: “Từ đây vô Sài Gòn để coi hát đường sá cũng không phải khó đi, xe cộ cũng có nhưng mà không dễ để vào thành. Hồi đó còn nghèo, mua vé coi cải lương thành ra mình xài sang. Mấy năm đầu sau giải phóng, có nghệ sĩ trong thành phố đi theo đoàn, ra hát ở ngoại thành, bà con kéo nhau đi coi rần rần. Sân khấu cũng không phải như bây giờ, có khi kê vài tấm ván, mùa khô nên dựng giữa ruộng, cả làng cả xóm kéo nhau đi coi, vui lắm nghen!”.
Chú Sáu Dân - cái tên cũng như tính cách một con người, ông luôn ở gần, lắng nghe dân hết mực và góp ý một cách thân tình. NSND Kim Cương nói: “Chú Sáu là lãnh đạo nhưng không áp đặt điều này hay quyết định kia từ trên xuống và buộc người ở dưới phải làm theo. Có lần chú dự một buổi tập kịch ở sân khấu của tôi trước khi công diễn, chú quan tâm góp ý chỗ này hay chỗ kia chỉnh lại một chút, vở kịch Về nguồn của đoàn Kim Cương là cái tên do chú đặt, mấy anh chị em bây giờ vẫn còn nhớ và quý lắm”. |
Lắng nghe để thấu hiểu và có hiểu mới có thương, có lẽ vì những điều giản dị chân thành ấy mà nhắc về Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân 100 năm ngày sinh của ông, lớp người của thế hệ năm ấy vẫn thân thương bằng cách xưng hô thiệt tình của dân Nam bộ - chú Sáu Dân. Và từ những lắng nghe, thấu hiểu của người lãnh đạo thành phố năm ấy, lớp nghệ sĩ ở thời điểm đó đến nay không ngừng cống hiến và được Nhà nước ghi nhận qua các danh hiệu cao quý.
Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng, dẫu sức khỏe không tốt nhưng NSND Kim Cương vẫn rất xúc động và bà muốn kể, nói ra như một lời cảm ơn cái tình cái nghĩa của chú Sáu Dân năm ấy. Bà nói: “Thời điểm đó là sự thay đổi cả một thể chế, nên lớp nghệ sĩ dù là người khá giả hay khó khăn, ai nấy cũng hoang mang: Liệu mình còn được hát, được đứng trên sân khấu nữa không? Tôi có đến gặp chú Sáu, trình bày những lo lắng cũng như nguyện vọng của anh em văn nghệ sĩ. Thiệt tình mọi người chỉ có một lòng làm nghề, chứ không ai rành chuyện chính trị. Chú Sáu lắng nghe và thấu hiểu hết, sân khấu vẫn hoạt động bình thường. Hồi trước giải phóng chỉ có 3 sân khấu thôi, sau giải phóng thì mấy rạp hát bóng (rạp phim - PV) cũng dùng làm sân khấu, cả thành phố hơn 20 sân khấu. Và từ đó, mới bắt đầu có sân khấu cố định cho kịch nói biểu diễn hàng đêm, còn trước đó thì vài ba tháng mới có đại nhạc hội một lần, không có sân khấu riêng cho kịch nói”.
Ân tình để lại của chú Sáu Dân năm ấy mà đến hôm nay, có lẽ chỉ có TPHCM mới có điều này, đó là Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8) và Nghĩa trang Nghệ sĩ (quận Gò Vấp). NSND Kim Cương kể: “Năm đó, má tôi (NSND Bảy Nam - PV), bà Bảy Phùng Há và ông Năm Châu qua kết nối với chú Sáu Thảo bên Sở Văn hóa - Thông tin, có xin lên gặp chú Sáu Dân để trình bày về cái khó của anh em nghệ sĩ. Có nghệ sĩ làm đào chánh, kép chánh một thời, đến cuối đời, chết không có gia đình, không được lo ma chay chu toàn, xót xa lắm. Chú Sáu lắng nghe và có chỉ đạo ngay về việc xây dựng Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8) và Nghĩa trang Nghệ sĩ (quận Gò Vấp). Đó như là 2 “di tích” quan trọng với giới văn nghệ sĩ, mà mỗi lần nhắc đến, chúng tôi nhớ hoài cái ân tình của chú Sáu”.
Không chỉ lớp nghệ sĩ cựu trào, mà lớp nghệ sĩ mới cũng được chú Sáu Dân quan tâm. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (nguyên Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TPHCM) chia sẻ: “Năm 1982, chú Sáu Dân có đến Nhà Văn hóa Thanh niên, ở đó có nhiều nhóm sáng tác âm nhạc, biếm họa, văn thơ… nhưng mạnh ai nấy hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của mình, chưa có sự kết nối. Chú Sáu gợi ý thành lập CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn, từ đó anh em hoạt động kết nối với nhau nhiều hơn. Nếu nói chú Sáu thường xuyên tổ chức hoạt động này kia cho anh em, thì tôi không dám khẳng định, vì lãnh đạo đứng đầu một thành phố còn bao nhiêu việc phải lo, chứ đâu riêng gì giới văn nghệ sĩ, nhưng chú chưa quên bất kỳ ai nếu đã từng gặp mặt và chú luôn lắng nghe ý kiến của mọi người, đó là điều đáng quý của một vị lãnh đạo”.
Nghe dân để hiểu dân, làm việc vì dân, là bài học mà chú Sáu Dân từng vận dụng từ hàng chục năm trước, vẫn còn nguyên tính giá trị cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học hỏi, noi theo. Người ta nhớ hoài chú Sáu Dân bởi chú Sáu đã sống trọn vẹn với chữ Dân ấy, chữ Dân trong chữ Nhân Dân.
“Ông già sống xứng đáng và trọn vẹn quá rồi” |