Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Kiệm (15-7-1920 - 15-7-2020): Người cộng sản dung dị

Đồng chí Phan Kiệm (bí danh Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân) đã cống hiến cả thanh xuân, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), người dân nơi ông sinh sống lại thấy một Phan Kiệm dung dị, luôn hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung, vì tập thể.
Đồng chí Phan Kiệm và 2 con gái
Đồng chí Phan Kiệm và 2 con gái

Luôn ưu tiên việc nước

Trong truyện ký Mật mã đặc khu của Đại tá Phan Tùng Sơn, Phó Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam Báo Quân đội Nhân dân, có ghi, sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, đồng chí Phan Kiệm được điều về Thành ủy TPHCM chờ phân công công tác. Khi tổ chức gặp gỡ, hỏi thăm nguyện vọng, đồng chí từ tốn từ chối. Với ông, khát vọng cháy bỏng nhất cuộc đời mình là đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vì vậy khi đất nước hoàn toàn độc lập, ông coi sứ mệnh của mình đã hoàn thành, trọn vẹn. Nhìn nhận trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước sau đổ nát, hoang tàn của chiến tranh phải cần có đội ngũ cán bộ tri thức, năng lực phù hợp nên đồng chí tự nguyện lui về phía sau.

Theo nguyện vọng, Thành ủy TPHCM đã sắp xếp cho đồng chí làm việc tại Văn phòng Thành ủy TPHCM. Thời điểm đó, cán bộ chủ chốt của Văn phòng đa số là người từng được đồng chí Phan Kiệm dìu dắt, lãnh đạo trong kháng chiến. Họ xem đồng chí như một người anh, người thầy. Đồng chí Phan Kiệm luôn giữ thái độ hòa nhã, khiêm tốn, kề vai sát cánh hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho các cán bộ trong cơ quan làm việc và phát triển.

Những ngày đầu tiếp quản thành phố, những cán bộ có công lao to lớn trong kháng chiến như đồng chí Phan Kiệm được ưu tiên sắp xếp nhà ở các vị trí tiện lợi. Tuy nhiên, nhìn thấy căn biệt thự bề thế ở mặt tiền đường Hoàng Văn Thụ, đồng chí Phan Kiệm đề đạt nguyện vọng nhường lại để nhà nước sử dụng vào công việc. Trả lại căn biệt thự, đồng chí đưa vợ con về sinh sống trong hẻm sâu (nay là đường Phan Xích Long, phường 3, quận Phú Nhuận) với ao hồ, bãi sình xung quanh.

Khiêm tốn và nghĩa tình

Cũng từ căn nhà ấy, người dân xung quanh biết đến một ông Phan Kiệm dung dị, gần gũi và hết lòng vì người dân. Hồi tưởng lại những năm tháng ở đường Phan Xích Long, cô Phan Thu Nga (con gái đồng chí Phan Kiệm) không quên hình ảnh những tủ đồ, bàn ghế của hàng xóm bày biện la liệt trong sân nhà. Đó là những chiếc “cần câu” mưu sinh của họ, được ba cô tạo điều kiện cho mượn mái hiên nhà để họ bán hàng nuôi gia đình. Là những lần ông vận động con, cháu tiết kiệm, chắt chiu từng lon gạo, từng hộp sữa để giúp những người xung quanh gặp khó khăn.

Sau khi nghỉ hưu, đồng chí Phan Kiệm luôn đau đáu trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên với dân, với nước. “Cả cuộc đời ba đi theo lý tưởng của Đảng và khi các con trưởng thành, nguyện vọng lớn nhất của ba là muốn chúng tôi vào Đảng để tiếp tục cống hiến cho Đảng, cho đất nước và giúp đỡ những người khốn khó”, cô Phan Thu Nga nhớ lại. Trong khi đó, mẹ của cô (bà Dương Kim Bằng, cũng là một chiến sĩ cách mạng) luôn dạy con cháu, dù trong hoàn cảnh nào cũng không được lung lay ý chí, đánh mất niềm tin vào Đảng. Làm việc gì, ở đâu cũng phải nghĩ đến quyền lợi của tập thể, của nhân dân trước lợi ích của bản thân.

Ông Võ Văn Tân, nguyên Chủ tịch UBND phường 3, quận Phú Nhuận, nhớ mãi hình ảnh người cộng sản đạo đức, khiêm tốn và nhân từ Phan Kiệm. Từ khi nghỉ hưu về sinh sống tại phường 3, đồng chí Phan Kiệm đã có nhiều đóng góp vào các hoạt động ở địa phương, từ công tác chi bộ đến công tác chăm lo cho người dân. Khi đó, đảng viên, cán bộ phường còn rất trẻ, kinh nghiệm làm việc chưa có nên được đồng chí Phan Kiệm cầm tay chỉ việc, dạy cách lo cho người dân. Ông bảo mọi việc chính quyền làm là phải vì người dân, người dân hạnh phúc thì cách mạng mới thực sự thành công. Những căn nhà tình nghĩa, tình thương đầu tiên của người dân trên địa bàn phường cũng từ đồng chí Phan Kiệm mà có. Ông gợi ý xin vật tư cũ của những gia đình khá giả khi sửa nhà để xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, xóa dần những căn nhà lá, nhà lợp giấy dầu. Ngày đó trụ sở của phường chật chội, những cuộc họp hành nào cần cơ sở rộng rãi, ông lại xung phong cho mượn nhà. Hay những trường hợp nào khó khăn ở địa phương ông đều tìm hiểu và trích một phần lương hưu để hỗ trợ…

Ông Võ Văn Tân nhận định: “Đồng chí Phan Kiệm đã sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, ân nghĩa và thanh cao như thế. Chúng tôi, những thế hệ đi sau được hưởng trọn vẹn những thành quả mà thế hệ cha ông - những người cộng sản chân chính như đồng chí Phan Kiệm đánh đổi bằng máu thịt và nước mắt mới có được - luôn tỏ lòng tri ân sâu sắc!”.

Tin cùng chuyên mục