“Xé rào”
Khó khăn của thành phố những ngày sau giải phóng không thể miêu tả hết bằng lời. Nối tiếp niềm vui nước nhà trọn vẹn là bao công việc cần làm và phải làm để phục hồi sau chiến tranh. Trong quyển hồi ký Đại tướng Mai Chí Thọ, ông Năm Xuân (Đại tướng Mai Chí Thọ) nhớ lại: “Tôi đi Sài Gòn - Chợ Lớn xem xét tình hình, thấy hàng phố đóng cửa im ỉm, đâu có buôn bán gì. Gạo không có. Ngay cả công an đi công tác về qua các trạm xét xe, đưa 1kg gạo còn không qua nổi”.
Thật khó để thế hệ hôm nay hình dung hết nỗi vất vả của những ngày sau giải phóng - xã hội còn những bất ổn, kinh tế đối mặt với cấm vận… Với người lãnh đạo đương nhiệm lúc ấy, có những quyết định mà “trái tim nóng - cái đầu lạnh” vẫn chưa đủ, hơn hết là phải kịp thời kịp lúc. Những năm đồng chí Mai Chí Thọ làm Chủ tịch UBND TPHCM (1978-1984), có thể nói là đoạn khó khăn nhất của thời kỳ chưa đổi mới. Tập thể lãnh đạo của TP lúc đó, trong đó có các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, cùng với cán bộ và nhân dân TP thôi thúc tìm tòi những yếu tố đột phá cho phát triển.
Dù đã hơn 40 năm nhưng đồng chí Phạm Chánh Trực (nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM) vẫn nhớ rõ câu chuyện “xé rào” tìm đường đổi mới kinh tế do các đồng chí lãnh đạo TP lúc bấy giờ đề ra. “Lúc ấy tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở TPHCM còn rất phức tạp. Thêm vào đó, kinh tế cũng lâm vào cảnh rất khó khăn. Trước tình hình này, đòi hỏi người lãnh đạo phải ứng biến, tìm hướng tháo gỡ để an dân. Chú Năm Xuân khi đó là Chủ tịch UBND TP đã cùng các đồng chí lãnh đạo ghé từng nhà dân để hiểu và kịp thời nắm bắt những khó khăn cũng như nhu cầu của người dân”, đồng chí Phạm Chánh Trực nhắc nhớ. Theo đồng chí Phạm Chánh Trực, một trong những sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở chú Năm Xuân chính là đã dám tín nhiệm đồng chí Lâm Tư Quang (Ba Toàn) làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu.
Cuối tháng 3-1980, một sự kiện làm ông Ba Toàn nhớ suốt đời. Ông Ba Toàn kể trong hồi ký Đại tướng Mai Chí Thọ: “Lúc đó tôi đang là Phó Chủ nhiệm Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp TP. Ông Năm Xuân nói với tôi đầy lo lắng: Tình hình kinh tế TP tụt xuống đáy rồi. Kho vật tư không còn gì để sản xuất. Không còn trông cậy vào đâu nữa. Bây giờ phải tự lực khai thác tiềm năng của TP để vực dậy sản xuất, có công ăn việc làm, phải tổ chức sản xuất, đột phá xuất nhập khẩu sang thị trường tư bản. Vì TP có truyền thống giao thương với thế giới tư bản từ trước ngày giải phóng. Bây giờ phải khai thác thế mạnh này”. Đáp lại, ông Năm Xuân đề xuất chủ trương: huy động vốn của dân, phân chia lợi nhuận, tập hợp chất xám trọng dụng nhân tài có tay nghề cao về giám định hàng hóa, thông thạo cách làm ăn kiểu thị trường tự do, thù lao xứng đáng với công sức. Tranh thủ vốn của thương nhân nước ngoài, nhất là các nhà tư sản có thiện cảm với đất nước.
Đây là một việc làm “động trời”, hoàn toàn mới mẻ.
Và kết quả của quyết định “xé rào” là sau hơn 2 tháng, TP đã huy động được số tiền vài triệu đồng (lúc đó 1 USD tương đương 12 đồng), mua nông sản, bóc vỏ hạt sen, các loại đậu, mè, sơ chế để có hàng đối lưu xuất khẩu sang Hồng Công, Singapore.
Phẩm cách người cộng sản
Từ những ngày trước giải phóng, ông Năm Xuân đã nghĩ đến chuyện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong dân. Là thư ký cho ông Năm Xuân từ tháng 10-1971 đến tháng 11-1974, PGS-TS Hà Công Tài (Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) kể: “Chú Năm nói sau khi giải phóng phải bắt tay vào làm kinh tế ngay, phải xóa đói giảm nghèo cho nhân dân cách mạng và bắt đầu từ những việc rất cụ thể”.
Có dịp tiếp xúc Đại tướng Mai Chí Thọ để thực hiện quyển hồi ký thứ 3, nhắc về tâm huyết của ông với chương trình xóa đói giảm nghèo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải chia sẻ: “Khi nghỉ hưu, ông vẫn dùng khả năng của một người dân đóng góp cho xã hội, chẳng có gì là hẫng hụt. Xóa đói giảm nghèo là xuất phát từ bản chất người Việt Nam. Và khi sống giữa nhân dân, giác ngộ lý tưởng cộng sản, thấy thương dân tộc, lao vào chiến đấu bất kể súng đạn, tù ngục cũng vì thế. Nó thấm vào con người rồi”…
Lịch sử nước nhà làm sao quên được một thế hệ tận hiến để bảo vệ Tổ quốc, một lớp người trọn vẹn trong công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước. Đại tướng Mai Chí Thọ - người đã vượt bao gian lao, cống hiến một cuộc đời trọn vẹn với những điều cao đẹp. Với đất Nam bộ, với người dân TPHCM, tên ông luôn đẹp giữa lòng dân, đẹp những gian lao của tháng ngày không thể quên.
6 bài học từ Bí thư Thành ủy TPHCM Mai Chí Thọ
Đầu năm 1972, đồng chí Huỳnh Tấn Phát nói với tôi: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh điều anh về T4 công tác”. Lúc bấy giờ căn cứ Thành ủy đóng ở Tây Bắc tỉnh Preiveng, Campuchia. Tháng 10-1973, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Văn Linh về Trung ương cục miền Nam, đồng chí Mai Chí Thọ lãnh đạo Ban Nghiên cứu tổng hợp Thành ủy, trong đó có tôi.
Ngày 12-9-1974, Bộ Chính trị ra nghị quyết về công tác đô thị ở miền Nam; Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã họp để quán triệt và bàn về kế hoạch thực hiện nghị quyết. Thành ủy chia thành 2 cánh: cánh A phụ trách đô thị, do Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ lãnh đạo; cánh B phụ trách nông thôn do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thành Thơ lãnh đạo. Ban Nghiên cứu tổng hợp Thành ủy tách thành 2 theo 2 cánh A và B. Đi theo cánh A của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ có đồng chí Ba Bắc (Chánh Văn phòng Thành ủy), tôi (bí danh Ba Thắng) cùng bộ phận văn thư, điện đài và lực lượng bảo vệ Văn phòng Thành ủy…
Cuộc hành quân của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ và chúng tôi phải vượt qua ấp chiến lược gần đồn bót địch, qua chiến khu Đ rồi vượt qua thác Trị An, qua lộ 20 băng rừng về Bình Sơn. Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ để xe đạp tại bờ thác Trị An. Sau này, bảo tàng địa phương trưng bày chiếc xe đạp đó, xem là chiến lợi phẩm của địch. Tôi đính chính đó là xe đạp của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ để lại.
Chúng tôi xây dựng căn cứ ở Bình Sơn và ổn định công tác. Nhà của tôi gần nhà đồng chí Mai Chí Thọ. Mỗi buổi sáng, Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ làm việc với đồng chí Ba Bắc, Ban Nghiên cứu tổng hợp Thành ủy (gồm Tám Hồ, tôi, Sáu Đông và đồng chí Phú). Đồng chí Phú điểm báo Sài Gòn, tôi và đồng chí Tám Hồ, Sáu Đông báo cáo nội dung các báo cáo mới gửi về, kể cả chỉ thị của Trung ương cục miền Nam, đề xuất ý kiến. Khi nghe xong, đồng chí Mai Chí Thọ phát biểu ý kiến để chúng tôi viết chỉ thị của Thành ủy gửi các nơi. Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất ở Ban Tuyên huấn Thành ủy dự họp để lấy thông tin viết bài cho Đài phát thanh giải phóng.
Cánh A do Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ lãnh đạo chuyển cơ quan về hướng mới: hướng Tây Nam Sài Gòn. Khi chúng tôi đi bộ đến Bù Đốp thì Đài phát thanh giải phóng loan tin quân ta đã giải phóng Huế (26-3-1975). Tôi cứ tưởng mình sẽ được cùng Bí thư Thành ủy về tiếp quản Sài Gòn, không ngờ đồng chí Mai Chí Thọ mời tôi đến và thông báo cho tôi biết tôi phải trở lại Trung ương cục miền Nam. Tôi giã từ Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ và các đồng chí với bao niềm lưu luyến.
Trong suốt thời gian được làm việc với Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, tôi đã rút ra 6 bài học quý báu. Bài học đầu tiên là khi làm việc với địa phương ban ngành đoàn thể “phải rút ra ưu, khuyết điểm và biện pháp khắc phục”. Bài học thứ hai từ Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ đó là đồng chí làm việc trực tiếp với Ban tham mưu (Ban Nghiên cứu tổng hợp Thành ủy) mỗi buổi sáng; lắng nghe báo cáo của trường cán bộ, nghe ý kiến thảo luận rồi chỉ đạo nội dung mà cán bộ tham mưu phải viết. Bài học thứ ba, khi đồng chí Mai Chí Thọ làm việc liên quận, ban ngành, đoàn thể thì tham mưu phải nghe và chuẩn bị ý kiến tham mưu riêng với đồng chí hoặc phát biểu ý kiến trong cuộc họp. Bài học thứ tư là phải giữ bí mật báo cáo và nhân sự. Bài học thứ năm là luôn sâu sát cơ sở, đi thực tế. Bài học thứ sáu là người thủ trưởng trong quan hệ với cấp dưới không được gia trưởng mà phải luôn biết lắng nghe, đoàn kết thân thiện.
Những bài học mà tôi học được từ đồng chí Mai Chí Thọ sau này tôi luôn ghi nhớ và áp dụng trong công tác. Những bài học ấy để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ phai của những ngày gian khổ trong các năm cuối cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam