Nhiều nước kỷ niệm
Các lễ kỷ niệm tại Đài tưởng niệm liệt sĩ vô danh trên đại lộ Champs-Elysées đã được tổ chức trong điều kiện an ninh được thắt chặt. Trong đó, có lễ khánh thành Đài tưởng niệm những người lính Paris đã ngã xuống vì Tổ quốc trong cuộc chiến 1914-1918. Quần thể có chiều dài 280m và cao 1,3m, nằm trên đại lộ Ménilmontant (quận 20), trên đó ghi danh 94.415 liệt sĩ. Tổng chi phí xây dựng khoảng 1 triệu EUR.
Trước đó, ngày 10-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tham dự buổi lễ mang tính biểu tượng cao tại khu rừng Rethondes, thành phố Compiègne cách Paris 60km về phía Bắc.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ I, một Tổng thống Pháp và một Thủ tướng Đức gặp nhau tại địa điểm tưởng niệm này. Từ một tuần nay, hơn 1.200 sự kiện độc đáo đã diễn ra trên khắp nước Pháp. Các cuộc triển lãm, các dự án giáo dục, các buổi biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trong thời gian dài, thậm chí vài tháng, nhằm nhắc nhở các thế hệ hiện tại lịch sử đau thương và bi hùng của Pháp và châu Âu, cũng như để tưởng niệm 1,4 triệu binh sĩ Pháp đã hy sinh trong Thế chiến thứ I.
Ngày 11-11, Australia và New Zealand cũng đã tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ I. Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm quốc gia ở thủ đô Canberra với sự tham gia của hàng ngàn người, Thủ tướng Australia Scott Morrison đề cập tới sự hy sinh của 62.000 người lính trong chiến tranh. Đặc biệt, hơn 10.000 binh sĩ thuộc Quân đoàn Australia và New Zealand (ANZAC) đã tử nạn trong chiến dịch tại bán đảo Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn tại New Zealand, lễ tưởng niệm diễn ra 2 phút sau khi mặc niệm vào đúng 11 giờ ngày 11-11, thời điểm hiệp định đình chiến được ký kết. 100 phát súng đã được bắn ra tại cảng Wellington, cùng tiếng chuông nhà thờ, cũng như tiếng còi từ các tàu, ô tô và xe cấp cứu. Hơn 100.000 người New Zealand, tương đương 10% dân số lúc bấy giờ, đã tham chiến ở nước ngoài, trong đó 18.300 người đã thiệt mạng.
Ước tính hơn 80.000 người dân của hai nước đã bỏ mạng trong cuộc chiến này. Mặc dù chiến dịch tấn công đã thất bại, song nó đã để lại di sản về lòng dũng cảm và tình hữu nghị giữa hai quốc gia, đồng thời được xem là bước ngoặt phát triển của hai nước.
Không quên bài học trong quá khứ
Trong tuần kỷ niệm, Tổng thống Pháp Macron đã công du tới một loạt khu vực ở miền Bắc và miền Đông nước Pháp bị chiến tranh tàn phá, thăm các chiến hào của Mặt trận phía Tây từ Verdun đến Somme, và tham dự nhiều lễ kỷ niệm với các nhà lãnh đạo Đức, Anh và Mali.
Thủ tướng Anh Theresa May đã gặp ông Macron tại Somme vào ngày 9-11. Ngày 10-11, ông Macron đã đến làng Rethondes, nơi ký hiệp định đình chiến và gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Truyền thông Pháp cho biết, ông Macron sẽ tận dụng sự chú ý của quốc tế đối với tuần lễ kỷ niệm này để kêu gọi chống chủ nghĩa dân tộc, tiếp nối lời cảnh báo gần đây của ông rằng thế giới đang có nguy cơ lãng quên những bài học của các cuộc xung đột lớn trong thế kỷ XX. Ông cảnh báo chủ nghĩa dân tộc là “bệnh hủi đang lây lan ra toàn thế giới”.
Dự kiến, sau lễ kỷ niệm chính ngày 11-11, các lãnh đạo thế giới sẽ tham dự một diễn đàn hòa bình kéo dài 3 ngày, do Thủ tướng Đức Merkel tổ chức - sự kiện mà ông Macron muốn biến thành một hội thảo hòa bình đa phương thường niên.