PHÓNG VIÊN: Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, trong chặng đường 10 năm qua, những kết quả nào được xem là nổi bật nhất của Học viện Cán bộ TPHCM?
PGS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT: Được thành lập ngày 15-10-2014 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Thành phố, trong 10 năm qua, Học viện Cán bộ TPHCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt, học viện đã vinh dự được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao bằng công nhận trường chính trị đạt chuẩn mức 1 và là trường duy nhất trong khu vực các tỉnh phía Nam (từ Quảng Trị trở vào) được nhận danh hiệu ở thời điểm này.
Mặt khác, năm 2016, học viện được phép đào tạo đại học chính quy với ngành học đầu tiên là Quản lý nhà nước. Đến năm 2017, học viện được phép đào tạo thêm 4 ngành là: Chính trị học, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Luật và Công tác xã hội. Đến nay, học viện đã tổ chức 1.095 lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính; các lớp liên kết đào tạo cử nhân, thạc sĩ, cao cấp Lý luận chính trị (LLCT) và 9 khóa đại học hệ chính quy, 11 khóa đại học hệ vừa làm vừa học. Học viện cũng có Tạp chí Khoa học phát triển nhân lực, là tạp chí khoa học được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tính điểm công trình khoa học.
Từ năm 2016, học viện được cấp phép tuyển sinh đại học chính quy. Vậy đến nay, học viện đã có những chiến lược gì để ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học?
Tính từ năm 2016 đến nay, học viện đã tuyển sinh và đào tạo khóa thứ 9 với hơn 5.000 sinh viên. Phát huy kết quả trên, học viện đề ra Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoạch định rất rõ các chỉ số và lộ trình thực hiện.
Học viện đã được công nhận đạt kiểm định cơ sở giáo dục vào cuối tháng 8-2024 và 5/5 chương trình đào tạo của 5 ngành cũng đã được kiểm định đạt chất lượng 100%. Trong thời gian tới, học viện tập trung đổi mới việc thi, kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo gắn với chuẩn đầu ra nhằm tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức tương lai, không chỉ cung cấp cho TPHCM mà còn cho nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Nghiên cứu tổng kết thực tiễn, tư vấn chính sách là một hướng chuyển đổi rõ rệt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của học viện. Thời gian qua, học viện đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm bám vào dòng sự kiện, trên cơ sở các chủ trương, chính sách mới mà Trung ương và TPHCM ban hành. Từ đó đã đóng góp nhiều nội dung, ý kiến có giá trị để các ngành, các cấp của TPHCM đưa vào các chủ trương, chính sách
PGS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT
Học viện sẽ tiếp tục có giải pháp đổi mới gì trong giảng dạy, bồi dưỡng tư tưởng, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ thành phố, thưa đồng chí?
Học viện thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò của việc học tập LLCT thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập LLCT gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên cũng như nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng dạy LLCT. Cùng với đó, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục LLCT theo hướng lấy người học làm trung tâm, với phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất”. Chú trọng xây dựng các chuyên đề về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đưa vào chương trình giảng dạy LLCT ở các trường chính trị…
Từ chủ trương của thành phố, học viện cũng đã xây dựng và ban hành Chương trình đào tạo, bồi dưỡng chức danh vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thành phố với 120 chuyên đề. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo quản lý cấp phòng và chương trình bồi dưỡng khác theo yêu cầu đặt hàng của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thành phố.
Học viện Cán bộ TPHCM có định hướng gì trong những năm tiếp theo, thưa đồng chí?
Danh hiệu Trường chính trị đạt chuẩn mức 1 là niềm vinh dự lớn; là sự ghi nhận của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đối với tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động học viện trong việc thực hiện mục tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu phát triển của học viện đến năm 2030 là trở thành đơn vị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng tốt của khu vực phía Nam và cả nước; cung cấp môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người học nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, sáng tạo, bảo đảm sau khi hoàn thành khóa học đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong môi trường hội nhập quốc tế.
Học viện cũng xây dựng và thực hiện kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc đẩy mạnh các giải pháp thực hiện cơ chế tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025. Qua đó khẳng định vị thế và vai trò của học viện trong quá trình đóng góp xây dựng và phát triển thành phố, phù hợp với tầm nhìn đã xác định tại Chiến lược phát triển Học viện Cán bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Học viện là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cao cấp của TPHCM góp phần kiến tạo phát triển đất nước và là trường chính trị đạt chuẩn quốc gia.