Sau 10 năm ra đời, tủ sách đã giới thiệu đến bạn đọc 35 cuốn sách, là những kiến thức và thành tựu khoa học mới, truyền tải tình yêu và lòng say mê khám phá, những nỗ lực không ngừng của bao thế hệ trong hành trình nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh những nhà khoa học có uy tín, những dịch giả trẻ tuổi là nghiên cứu sinh ở nhiều nước trên thế giới, không thể không nhắc tới đội ngũ chủ biên của tủ sách gồm: Ông Phạm Văn Thiều - nhà Vật lý lý thuyết và dịch giả nổi tiếng về sách phổ biến khoa học; ông Nguyễn Văn Liễn - nghiên cứu và giảng dạy Vật lý, vốn làm việc ở Viện Vật lý thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ông Vũ Công Lập - làm việc trong lĩnh vực Vật lý Y Sinh học. Cả ba ông đều tốt nghiệp bộ môn Vật lý Lý thuyết, khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 9 (1964-1968).
Nhân 10 năm tủ sách ra đời phục vụ bạn đọc yêu khoa học và những điều kỳ bí của thiên nhiên, vũ trụ, NXB Trẻ tổ chức buổi trò chuyện cùng các vị chủ biên - dịch giả của tủ sách, như một trải nghiệm dành cho bạn đọc về các tác phẩm của tủ sách này.
Theo ông Vũ Công Lập, những cuốn sách được giới thiệu trong tủ sách Khoa học và Khám phá có giá trị dẫn đường không chỉ với các độc giả mà với ngay cả bản thân ông. Điển hình là cuốn Dữ liệu lớn đã được tái bản 6 lần, một cuốn sách có ý nghĩa trong thời đại 4.0 như hiện nay.
Ông Vũ Công Lập vốn là một người làm Vật lý, rồi chuyển sang làm Vật lý Y Sinh học, ứng dụng kết quả của Vật lý vào trong Y học. Trong nền Y học hiện đại thì Y học cũng trở thành một ngành công nghệ. Nói đến Y học bây giờ là nói đến CT, cộng hưởng từ, máy gia tốc tuyến tính, thiết bị siêu âm… Ông Lập cho rằng: “Đó đều là những sản phẩm của Vật lý ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị. Và chúng ta thấy bộ mặt của các tập đoàn y tế hôm nay là bộ mặt của các tập đoàn điện tử. Tôi thừa nhận mình là nhà khoa học, cũng nghiên cứu nhiều nhưng những quyển sách như thế này, không những chỉ khơi gợi, mở đường mà còn là một người thầy, đối với tôi”.
Một bạn đọc thắc mắc nên bắt đầu tiếp cận với cuốn sách nào trước trong số 35 cuốn sách đã ra mắt, ông Nguyễn Văn Liễn nói: “Bây giờ bảo bắt đầu từ cuốn nào thì thật là khó. Tôi là người tham gia tủ sách này nhưng thú thật là tôi cũng chưa đọc hết 35 cuốn sách. Nhưng tôi đọc quyển nào đều thấy quyển đó hay, và đều thấy quyển đó là người thầy”.
Theo ông Liễn, bạn đọc hoàn toàn có thể bắt đầu với một quyển sách bất kỳ. Ông cũng gợi ý bạn đọc 3 quyển đầu tiên trong tủ sách là Mật mã từ cổ điển đến lượng tử, Bảy nàng con gái của Eva và Thế giới lượng tử kỳ bí. Đặc biệt, ông dành tình cảm cho cuốn Thế giới lượng tử kỳ bí, được viết bởi Silvia Arroyo Camejo vừa tốt nghiệp phổ thông, chưa hề học đại học, chưa học một giờ nào về lý thuyết lượng tử.
“Chúng ta đều biết lý thuyết lượng tử là lý thuyết cơ bản của Vật lý học hiện đại. Khi cô ấy đọc xong, cô ấy thử xem mình đọc và hiểu như thế có đúng không nên cô ấy viết bản thảo về lý thuyết lượng tử. Bản thảo ấy đến tay một nhà khoa học của một trung tâm Vật lý rất lớn. Khi đọc xong, nhà khoa học đề nghị xuất bản ngay. Quyển sách tập hợp những nội dung và những câu chuyện bên cạnh đều rất lý thú”, ông Liên nói thêm.
Cũng trong dịp này, NXB Trẻ giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách mới nhất của GS Trịnh Xuân Thuận vừa được dịch và phát hành bản tiếng Việt với tựa đề Sự đầy của cái không. Cuốn sách đặt ra hàng loạt câu hỏi: Con người sợ chân không, tự nhiên sợ chân không, vậy chân không thật sự là gì? Nó có thật sự trống rỗng? Không gian trong vũ trụ có phải là chân không? Làm thế nào mà vũ trụ lại chuyển từ không tồn tại thành tồn tại, từ hư vô thành một cái gì đó? Vai trò của chân không trong sự ra đời của vũ trụ là gì?
Đặc biệt, trong Sự đầy của cái không, tác giả Trịnh Xuân Thuận đưa độc giả đi qua lịch sử phát triển của khoa học và triết học về chân không, từ thuyết tương đối đến lý thuyết lượng tử, từ khái niệm chân không trong Đạo giáo đến các mặt đối lập bổ sung cho nhau trong Phật giáo.