Bối cảnh mới, cơ hội mới
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với sự xuất hiện của các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính, các thiết bị điện tử tiêu thụ nội dung, mạng xã hội, xu thế phát triển kinh tế số và thói quen dành nhiều thời gian cho internet của giới trẻ..., đã tạo ra áp lực lớn đến các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp văn hóa khi vừa phải giữ gìn bản sắc truyền thống, vừa phải sáng tạo và gia tăng giá trị để bắt kịp xu thế chung, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng không những trong nước mà còn trên bình diện quốc tế.
Lĩnh vực âm nhạc được xem là chịu tác động rõ rệt nhất, nhờ công nghệ truyền thông và internet, âm nhạc có thể dễ dàng tiếp cận khán giả ở mọi nơi trên thế giới. Các nền tảng như Spotify, Apple Music, YouTube và nhiều dịch vụ phát trực tuyến khác đã làm thay đổi cách mà mỗi người trong xã hội thưởng thức âm nhạc, tạo ra một thị trường âm nhạc trực tuyến khổng lồ. Nền công nghiệp âm nhạc tạo ra hàng triệu công ăn việc làm trên toàn thế giới, từ nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất, kỹ sư âm thanh đến các chuyên gia tiếp thị, quản lý nghệ sĩ và nhân viên hậu cần. Các buổi hòa nhạc, lễ hội âm nhạc và các sự kiện âm nhạc khác cũng đóng góp lớn vào doanh thu du lịch và dịch vụ địa phương. Các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất nhạc cụ, thiết bị âm thanh, và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cũng được hưởng lợi từ sự phát triển của âm nhạc.
Theo nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, sự phát triển của công nghệ cũng tác động mạnh đến dòng nhạc thính phòng, cổ điển. Các dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam như Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM... đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng biểu diễn và mở rộng quy mô hoạt động dựa trên các nền tảng số. Thông qua các phương tiện truyền thông số, các buổi hòa nhạc ngày càng được công chúng chú ý, nhiều nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nước cũng được mời biểu diễn, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng nghệ thuật của các dàn nhạc.
Tháo nút thắt để tạo bứt phá
Quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới công nghệ đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh phân tích, dù âm nhạc được coi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, đầy tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng các dàn nhạc giao hưởng trong nước chưa có nhiều tác phẩm giao hưởng riêng của Việt Nam. Âm nhạc giao hưởng Việt Nam chưa có nhiều cơ hội làm việc cùng những bộ phim điện ảnh hoành tráng, hoặc những dự án quảng bá về văn hóa, du lịch quy mô lớn mang dấu ấn quốc tế...
Đạo diễn Nguyễn Việt Tú thì nêu quan điểm: “Dù chúng ta vẫn nhấn mạnh đến bảo tồn di sản, hay văn hóa dân tộc, nhưng cho đến nay, phương tiện biểu đạt chủ yếu vẫn chỉ là thông qua các lễ hội”. Dù hàng năm cả nước có vô số lễ hội, tuy nhiên hầu hết đều dừng ở phần lễmàítchúýđếncácyếutốnhư chỉ số về lượt khách đến, độ hài lòng của du khách, tần suất quay trở lại, số công ăn việc làm, hay GDP tạo ra cho địa phương có lễ hội. Các yếu tố biểu đạt mang ngôn ngữ thời đại độc đáo hầu hết bị bỏ qua hay chưa được đánh giá đúng dẫn đến thiếu hụt đi sự đa dạng các sản phẩm văn hóa. “Trong khi đó chỉ cần thay đổi cách nhìn, coi lễ hội cũng là các tác phẩm, sản phẩm, các hệ sinh thái trong nền công nghiệp văn hóa với các tiếp cận khác thì chắc chắn cùng lúc chúng ta vẫn đạt được mục tiêu kép đó là quảng bá văn hóa, di sản, vừa mang tính giải trí thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và quốc gia”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ.
“Dù công nghiệp văn hóa không phải vấn đề mới trên thế giới, và ngay ở Việt Nam, quan điểm và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã được triển khai khoảng 10 năm nay, nhưng thực trạng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay vẫn làm những người trong cuộc hết sức sốt ruột...”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ và đề xuất một số biện pháp để tháo bỏ những nút thắt nhằm tạo sự bứt phá cho công nghiệp văn hóa, như: xem xét ban hành các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với các chủ thể thực hiện công nghiệp văn hóa; tăng cường công tác quản lý về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả nhằm nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo...