Kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm không có vùng cấm

Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6-6-2024 của Bộ Chính trị có nhiều điểm mới nổi bật về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm thuộc thẩm quyền Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Những điểm mới này là thực hiện đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện theo ba bước. Trong bước chuẩn bị sau khi nhận được hồ sơ vụ việc vi phạm, Văn phòng Trung ương Đảng sao gửi hồ sơ vụ việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình đến các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, hồ sơ vụ việc Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo quy chế làm việc. Thường trực Ban Bí thư phân công ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư nghe đại diện tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm trình bày ý kiến trước khi tổ chức hội nghị xem xét kỷ luật, nếu đảng viên vi phạm là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư thì đồng chí Tổng Bí thư hoặc Thường trực Ban Bí thư nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến.

Tiếp theo là tiến hành 2 hội nghị. Đầu tiên, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật. Tiếp đến, đại diện tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm trình bày ý kiến, tổ chức Đảng có đảng viên vi phạm phát biểu, sau đó hội nghị thảo luận, biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật hoặc biểu quyết đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật theo quy định. Hai là, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định kỷ luật. Thành phần gồm Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, các ban đảng có liên quan; đại diện Bộ Chính trị đọc tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật. Tiếp đó, đại diện tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm trình bày ý kiến. Hội nghị thảo luận, biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật bằng phiếu kín. Trường hợp Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định không thi hành kỷ luật thì ủy quyền cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông báo bằng văn bản đến tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan biết.

Cuối cùng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định thi hành kỷ luật hoặc thông báo không kỷ luật. Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư triển khai quyết định kỷ luật, thông báo không kỷ luật đến tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Hiện nay, Đảng ta đang tập trung lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Đảng ngang tầm với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có thể khẳng định, ba bước tiến hành bao quát toàn bộ quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6-6-2024 của Bộ Chính trị ban hành đã cụ thể hóa đối tượng thi hành theo Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.

Việc thi hành kỷ luật đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” là để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện quyết liệt với nhiều cách làm mới, có chiều sâu, đồng bộ, hiệu quả.

PGS- TS VŨ QUANG VINH
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục