Gần 61 ha rừng bị tàn phá
Theo đó, có 5 kiểm lâm nhận hình thức kỷ luật khiển trách; 2 cán bộ nhận hình thức cảnh cáo. Cụ thể, ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão chịu hình thức kỷ luật khiển trách; ông Phạm Phương Bắc, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn nhận quyết định kỷ luật cảnh cáo.
Gỗ rừng có đường kính lớn bị cưa hạ nằm ngổn ngang, dấu vết để lại đã cũ cách đó vài tháng
Bốn kiểm lâm khác cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách gồm: Võ Đức Thắng, Nguyễn Hữu Độ, Trần Văn Liên (nhân viên kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn) và Nguyễn Trọng Tài (kiểm lâm viên địa bàn xã An Hưng).
Như Báo SGGP đã liên tục đưa tin về vụ tàn phá rừng tại Bình Định hết sức nghiêm trọng, diện tích rất lớn. Theo kết quả giám định của Trung tân Quy hoạch nông - lâm nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT Bình Định), trữ lượng gỗ bị lấy đi từ khu vực rừng bị phá lên tới 5.000 m³.
Theo ghi nhận và ý kiến từ người dân thì vùng rừng bị phá diễn ra từ 3 đến 4 tháng trước; thậm chí theo nguồn tin riêng phóng viên Báo SGGP nhận được, quanh khu vực rừng này bị tàn phá cả năm trời, diện tích còn lớn hơn như thế; các đối tượng phá rừng chủ yếu để trồng rừng kinh tế có nơi cây trồng lên đã được 1 năm tuổi.
Tuy vậy, các báo cáo của cơ quan chức năng vẫn cho rằng diện tích rừng chỉ mới bị phá từ ngày 4 đến 31-8. Như vậy thì không đúng với thực tế, bởi ngay tại vị trí rừng bị phá có chỗ "lâm tặc" đã đốt dọn để trồng cây kinh tế lên cả gang tay; đáng nói các đối tượng sử dụng xe cơ giới, máy cẩu để làm đường vào phá rừng chứ không phải dùng công cụ thô sơ để mở đường.
Theo tin từ Sở NN-PTNT, ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão đã đi học kiểm lâm viên chính từ ngày 7 đến 17-8-2017. Trước hình thức kỷ luật trên, nhiều dư luận xôn xao rằng xử lý cán bộ để "mất rừng" vẫn còn "giơ cao đánh khẽ", thiếu tính răn đe.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, trên mới chỉ là hình thức kỷ luật do Chi cục Kiểm lâm đưa ra, sau khi họ xét kỷ luật xong thì mới chuyển lên Sở NN-PTNT. Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc với UBND huyện, để xem xét ý kiến của hội đồng kỷ luật cơ sở. Sau đó mới đưa lên báo cáo UBND tỉnh xem xét, lúc đó mới điều chỉnh quyết định kỷ luật.
Theo đo đạc của cơ quan chức năng diện tích rừng bị tàn phá là 60,9 ha, trữ lượng gỗ 5.000m³