Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, cuối buổi sáng ngày 22-7, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.
Theo cơ quan thẩm tra, năm 2019, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thu NSNN vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. Kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm.
Về lập và giao dự toán NSNN năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, dự toán NSNN năm 2019 được xây dựng trong điều kiện kinh tế - xã hội trong, ngoài nước biến động khó lường nên việc dự báo sát thực tế là khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện thu chênh lệch khá lớn, tăng 10,1% so với dự toán. Thể hiện chất lượng dự báo và xây dựng dự toán hạn chế.
Về quyết toán thu NSNN, thu NSNN năm 2019 vượt dự toán 10,1% thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện quản lý thu, cải cách hành chính trong quản lý thuế.
Tuy nhiên, số tăng thu 2019 chủ yếu từ đất, tài nguyên và từ thu hồi vốn của Nhà nước… thể hiện cơ cấu thu chưa bền vững, phụ thuộc nhiều các yếu tố thiếu ổn định, không thường xuyên. Hạn chế này diễn ra trong cả giai đoạn 2015-2019 nên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm để khắc phục trong giai đoạn tới.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá thực trạng, nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra các hạn chế này; có giải pháp phát triển 3 khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện chính sách thu của 3 khu vực đồng thời cơ cấu lại nguồn thu, rà soát lại việc phân chia ngân sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường, năm 2019, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN; nhiều khoản chi thường xuyên quan trọng không đạt dự toán; tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm, trong đó chi đầu tư phát triển NSTW chỉ đạt 60% so với dự toán...
Đáng lưu ý, năm 2019, Chính phủ đã nỗ lực để kiểm soát bội chi. Tuy nhiên, bội chi NSNN giảm còn do giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đồng thời còn do dự toán bội chi chưa sát, nhiều địa phương không bội chi như dự toán được giao.
Mức tăng nợ công có xu hướng giảm so với các năm trước; các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn cho phép; nợ công tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN có xu hướng tăng nhanh làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia.
Trong số các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tiễn; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các quỹ, không trùng lặp nhiệm vụ của NSNN, tránh lãng phí, dàn trải và phân tán nguồn lực của nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với quy định hiện hành để có thể trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm hiện hành vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, bảo đảm thực hiện tốt vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán.
Bên cạnh đó, có giải pháp để khắc phục những bất cập tồn tại trong quản lý điều hành ngân sách đã nêu trong báo cáo thẩm tra đặc biệt lưu ý đến việc cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách; xác định phân cấp ngân sách phù hợp để tăng tính chủ động cho các địa phương nhưng phải đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ lập, phân bổ, giao dự toán đến thực hiện và quyết toán.