Ngày 25-3, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP Hà Nội khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng. Tại phiên giải trình đã có 17 câu hỏi và hơn 20 lượt trả lời của đại diện sở, ngành, quận, huyện, xã, phường… tập trung vào các vấn đề vi phạm về quản lý quy hoạch, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được phê duyệt và vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.
Phát biểu tại phiên giải trình, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, vi phạm về trật tư xây dựng trên địa bàn thành phố chủ yếu ở các nhóm: Vi phạm trật tự xây dựng ở công trình dự án do chủ đầu tư là công ty; vi phạm của cá nhân hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp (đất công do UBND xã quản lý, đất giao cho các hộ làm nông nghiệp); phát sinh đối với trật tự xây dựng với nhà siêu mỏng, siêu méo; vi phạm trật tự quản lý tại các khu rừng phòng hộ. Những vi phạm diễn ra trong thời gian ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều công trình gây ra nhiều bức xúc cho cử tri.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là việc phát hiện vi phạm ở cơ sở không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ cho những vi phạm của cán bộ cơ sở. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết thành phố đã tiếp thu, tiếp nhận nhiều đơn thư và thông tin báo chí nêu, thực hiện nhiều kết luận thanh tra một cách nhanh chóng. Đã có 10 công trình vi phạm của các cá nhân, công ty chuyển cơ quan điều tra sau khi có kết luận thanh tra.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp là do cán bộ cơ sở buông lỏng quản lý, cấp thành phố cũng không thanh tra không kịp thời. Đã có 98 cán bộ chủ tịch, phó chủ tịch xã phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra đã bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Thậm chí, theo báo cáo, có những trường hợp có dấu hiệu phạm tội làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa những sai phạm này. Vì thế, Công an TP Hà nội sẽ xử lý nghiêm những trường hợp dung túng hợp pháp hóa những công trình vi phạm.
Để giải quyết tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn phức tạp, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND TP Hà Nội tiếp tục rà soát các nội dung kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, tiếp tục cử các đoàn thanh tra tới các địa phương. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã đôn đốc Thanh tra TP Hà Nội công bố kết luận với vi phạm tại rừng Sóc Sơn để UBND huyện Sóc Sơn và 9 xã trên địa bàn huyện cùng các sở, ban ngành liên quan xử lý dứt điểm các vi phạm này.
Liên quan các công trình do chủ doanh nghiệp vi phạm, thành phố cương quyết với những chủ công trình này phải khắc phục xử lý những vi phạm, nếu không sẽ không cấp phép đầu tư các dự án mới. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng mong muốn đại biểu HĐND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện các kế hoạch của thành phố đối với các nội dung phiên giải trình đưa ra. Đồng thời đề xuất với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cần phải có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chủ thầu xây dựng và cá nhân xây dựng để xảy ra vi phạm.
Kết luận tại phiên giải trình, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, vấn đề quản lý đô thị nói chung và trật tự đô thị nói riêng được chính quyền thành phố thường xuyên quan tâm. HĐND TP Hà Nội qua 3 kỳ giám sát liên tục và có những nghị quyết chuyên đề riêng. Các quận, huyện cũng rất quan tâm và có chuyển động tích cực, trong đó, rất nhiều nơi phát hiện, phân loại và xem xét xử lý trách nhiệm nhiều cán bộ. Chính điều đó đã tạo chuyển biến rõ nét trong diện mạo đô thị, khang trang sạch đẹp hơn.
Nhất trí với các đề xuất của UBND TP Hà Nội, bà Ngọc đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện các giải pháp mạnh hơn trong quản lý trật tự xây dựng, đô thị và đặc biệt tăng trách nhiệm của các đội quản lý trật tự xây dựng không có lý do gì đổ trách nhiệm cho ai. Đồng thời, các địa phương cần kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại cũ, không cho phát sinh mới.