Đơn cử, mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu nhận xét đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: “Những vi phạm nêu trên đã được các tổ chức Đảng cấp trên chỉ ra nhưng không kịp thời khắc phục, sửa chữa, để kéo dài nhiều năm, gây hậu quả nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.
Trong nhiều vụ việc khác, tuy không nêu cụ thể các biểu hiện như trên, nhưng khi xem xét các vi phạm, có một số tập thể, cá nhân đã bị xử lý kỷ luật do các sai phạm của nhiệm kỳ trước hoặc của thời gian trước đó khá lâu (có khi hơn 2 nhiệm kỳ). Thậm chí, có những trường hợp lẽ ra phải thi hành kỷ luật nhưng đã hết thời hiệu, do đó không thể xử lý; trong khi đó, nếu được xem xét, xử lý kịp thời, phù hợp thì có khi cá nhân đó sẽ tránh được các sai phạm sau này hoặc sẽ không thể giữ các vị trí cao hơn, rồi từ đó làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng. Phải chăng việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên có lúc có nơi chưa thường xuyên và thiếu hiệu quả nên không phát hiện được sai phạm của cấp dưới? Phải chăng tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện các giải pháp mới, chưa có tiền lệ, các quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng nên khó nhận ra vi phạm? Hay khi có dư luận, có đơn thư khiếu nại, tố cáo, thậm chí đã có việc xem xét, xử lý nhưng quá trình xử lý thiếu minh bạch, nghiêm minh?
Điều 9, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ về cách thức xử lý vi phạm ở nguyên tắc đầu tiên: “Tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời; tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh”. Do vậy, cần hết sức tránh các trường hợp vi phạm kéo dài do chậm phát hiện hoặc chậm xử lý. Bởi đó chính là tiền đề để hình thành các vi phạm khác lớn hơn hoặc tạo kẽ hở cho một số đảng viên suy thoái, biến chất tồn tại và tiếp tục giữ các cương vị cao trong bộ máy, làm ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.