Đó là ngôi nhà mặt tiền số 24 đường Lý Thái Tổ, P2, Q3, TPHCM, nơi hiện nay nếu có dịp đi ngang qua, nhiều người sẽ không khỏi chạnh lòng khi biết rằng trước kia, đây là một cửa hàng lớn chuyên kinh doanh xe gắn máy với từng dãy xe bóng loáng xếp hàng. Ấy vậy mà chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, vụ hỏa hoạn thảm khốc đã biến tất cả ra tro bụi, kể cả 7 thành viên trong ngôi nhà. Hơn 6 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn còn nguyên những vệt khói ám đen đủi, trơ gan cùng tuế nguyệt, mặc cho đời sống nhộn nhịp mỗi ngày vẫn diễn ra xung quanh...
- Ngọn lửa oan nghiệt
Rạng sáng ngày 11-12-2001, một ngọn lửa phát ra từ tầng trệt ngôi nhà, bốc lên dữ dội và lan rất nhanh. Cao su từ vỏ ruột xe cháy tạo ra từng luồng khói đen đặc, mù mịt, trong khi mọi người đang ngon giấc, đến khi phát hiện thì đã quá trễ.
Do buôn bán, làm ăn nên nhà có 2 lớp cửa sắt kiên cố và cũng như nhiều nhà phố khác ngôi nhà này không có lối thoát hậu, ban công và cửa sổ là nơi duy nhất mọi người có thể lao ra nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh tìm lối thoát khi nguy cấp. Nhiều người chứng kiến lúc đó vẫn còn nhớ như in hình ảnh một bà mẹ trẻ bụng mang bầu, tay ôm con lẩy bẩy ở lan can, đứa bé trên tay chị khóc thét. Vì tầng một khá thấp nên mọi người hét bảo chị quăng con xuống họ đỡ giùm, những người khác tìm được tấm bạt, căng ra bảo chị nhảy xuống, thế nhưng không hiểu sao chị cứ ôm con chạy ra chạy vào, vài lần rồi không thấy ra nữa…
Người mẹ ấy là chị La Thị Thanh L. Được biết, chồng chị vừa đi công tác nước ngoài thì thảm cảnh xảy ra.
Vợ chồng người hàng xóm nhà số 34 gần đấy ấm ức nhớ lại: “Bụng mang dạ chửa không dám nhảy xuống đã đành. Chẳng hiểu sao không chịu quăng con xuống…”. Nhiều người đoán do cô ta quá hoảng loạn nên quẫn trí. Người khác lại bảo thấy cô ta bình thản đi trở vào dường như muốn tự tử vì nghĩ cha mẹ, anh chị đã chết hết… Và hẳn nhiên không ai biết nguyên nhân thực sự, trừ người đã mất.
Khi lực lượng cứu hộ trấn áp được ngọn lửa, bắc thang leo lên thì thấy vài người chưa kịp chạy ra ban-công đã ngã quỵ giữa lối đi do ngạt khói. Vụ cháy đã quy tụ không chỉ lực lượng Phòng cháy chữa cháy TP mà còn cả Cảnh sát 113, Công an phường và Công an quận 3. Hơn 90 phút sau, khi ngọn lửa được dập tắt, ngoài 4 người được đưa đi cấp cứu, những người chứng kiến bàng hoàng vì thấy số người thiệt mạng quá lớn: 7 người, trong đó có đứa bé 3 tuổi và một bào thai.
Những người thiệt mạng đều là con và cháu ruột của chủ hộ: ông La Văn T. và bà Lữ Thị N. Ông bà may mắn thoát chết cùng với người con La Hành T. - bị bệnh tâm thần và một người làm đã tìm cách nhảy sang nóc nhà bên cạnh, chỉ bị gãy chân.
Theo lời khai và kết luận của cơ quan điều tra, người bất ngờ phóng hỏa chính là người con trai tâm thần của chủ nhà, từng được điều trị tại Bệnh viện Biên Hòa nhưng do ông bà T. thương con nên bảo lãnh về. Đến tận giờ, những người từng lấy lời khai của thủ phạm vẫn không khỏi ngỡ ngàng, đau xót khi nhớ lại hình ảnh người gây ra tai nạn thảm khốc trả lời lơ ngơ: “Do xin tiền cha mẹ không cho”, “Do cứ bị ép uống thuốc mãi”…
- Bóng trắng và tiếng chổi quét trong ngôi nhà vắng
Từ sau vụ cháy, không ai thấy những người còn lại trong ngôi nhà xuất hiện nữa. Cửa nhà được ai đó hàn 2 thanh sắt chắn ngang. Tang tóc và hoang phế bao trùm ngôi nhà mặt tiền đồ sộ, ít nhiều là cơ hội cho những tin đồn về những hình ảnh và âm thanh lạ phát ra từ đây.
“Mỗi sáng, khi chúng tôi đi tập thể dục, cứ liếc nhìn về phía căn nhà trơ trụi, lạnh lẽo đó đều không khỏi ớn lạnh và buồn” - chị V. tiểu thương chợ Vườn Chuối, ngụ Nguyễn Thiện Thuật, P2, kể. “Càng buồn hơn khi không ít người chuyền tai nhau về cái bóng trắng ôm con đứng vẫy họ ở ban công, làm con nít sợ trối chết, cứ cắm đầu chạy mỗi khi đi ngang” - bác M. cán bộ về hưu, ngụ ở phường 2 nói.
Và cũng như bao nhiêu giai thoại được truyền khẩu về những ngôi nhà bỏ hoang khác trong thành phố, nhiều người dân quanh đấy kể rằng họ đã “tận mắt” nhìn thấy, nhiều người khác còn khẳng định đã nghe âm thanh sột soạt như tiếng chổi quét, cùng với tiếng lịch kịch, rổn rẻng từ trong nhà phát ra như ai đó đang dọn dẹp, quét tước, chuẩn bị bày hàng mỗi rạng sáng…
“Họ bị ám ảnh đấy thôi, ngôi nhà bỏ không lâu ngày chuột bọ rủ nhau làm ổ trong đó, hẳn nhiên là làm phát sinh âm thanh rồi. Mặt bằng ấy tiền không, nếu có ai đứng ra bán hoặc cho thuê sẽ có người lấy ngay” - vợ chồng chủ nhà số 34 áy náy.
- Phế tích đến bao giờ?
Người bệnh tâm thần hẳn nhiên được đưa trở vào bệnh viện. Ông bà chủ nhà vẫn còn nhưng hầu như lối xóm không ai biết hiện giờ họ ở đâu. Chỉ nghe nói sau vụ cháy họ bị thương rất nặng về thể chất lẫn tinh thần. Người con rể sau khi trở về mất hết vợ con cũng lẳng lặng biến mất. Ông Khởi, Chủ tịch UBND P2, Q3, cho biết căn nhà bị bỏ hoang suốt từ bấy đến nay.
“Vừa qua, khi có đợt kê khai trong toàn phường, chờ mãi cũng không thấy ai xuất hiện, chúng tôi đành phải tự kê khai giùm họ” - ông nói. “Mất mát quá lớn, tôi đoán họ vẫn chưa vượt qua được cú sốc tinh thần, còn màng gì tài sản” - đại úy Nguyễn Văn Sơn, công an khu vực P2 Q3 hơn 30 năm qua - người đã dũng cảm phá cửa lao vào cứu người, hiện trên tay ông vẫn còn vết sẹo khá dài - giọng chưa hết xúc động mỗi khi nhớ lại.
“Dạo mới cháy rất nhiều người tìm tới hỏi thăm. Có khi là thân nhân, bạn bè xa chưa kịp hay tin, khi là bác đưa thư cứ cầm những lá thư không còn người nhận, loay hoay không biết chuyển cho ai. Nhiều nhất là những người tới hỏi… giấy tờ xe. Họ mua xe ở cửa hàng này trước đó và được hẹn trở lại để lấy giấy”; “Đến bây giờ không thấy những người đó tới nữa. Chỉ thỉnh thoảng vài người tới hỏi thuê mặt bằng nhưng nghe mấy người rảnh rỗi xúm lại kể chuyện bóng người đứng trên lan can và tiếng chổi quét dọn, họ lẳng lặng bỏ đi mất!”; “Căn nhà nhìn sơ cũng đã thấy bị nứt nhiều, và hơi nghiêng. Chúng tôi mong người có chủ quyền hoặc thừa kế căn nhà này trở về xây dựng lại, để bộ mặt phố phường khang trang, để chúng tôi làm ăn buôn bán, để trẻ con không còn bỏ chạy mỗi khi đi ngang”; “Từ án mạng này, thông qua Tuần san Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy, chúng tôi nghĩ Nhà nước cần thiết phải đặt vấn đề nuôi giữ người bị tâm thần trong gia đình bởi họ không chỉ bất ngờ gây tai họa cho họ, cho gia đình mà còn cho cả những người xung quanh nữa” - nhiều bà con ngụ ở P2 góp chuyện.
SONG PHẠM
CẢI CHÍNH Trong bài “Đi tìm ngôi mộ chú Hỏa” của tác giả Song Phạm trên Tuần san SGGP Thứ Bảy số 842, phát hành ngày 26-5-2007, tôi đã đọc lầm nên dịch sai câu đối ghi trước nhà chú Hỏa. Nay xin phiên âm và dịch nghĩa lại như sau: CAO TỰ THANH |
Thông tin liên quan:
Kỳ I: Giai thoại nhà chú Hỏa
Kỳ II: “Hồn ma” trong ngôi nhà cổ
Kỳ III: Đi tìm ngôi mộ chú Hỏa