Trong đó, Quốc hội sẽ dành 11 ngày cho công tác lập pháp, xem xét, thông qua 10 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật.
Trong số các dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 9 có: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Ba luật quan trọng điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh dự kiến cũng sẽ được thông qua, tạo thêm động lực cho nền kinh tế: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Quốc hội cũng dự kiến thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Riêng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, tại Tờ trình số 1750/TTr -TLĐ ngày 20-11-2019, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị UBTVQH bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.
"Đề nghị UBTVQH yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẩn trương hoàn chỉnh dự án Luật, trình UBTVQH chậm nhất là phiên họp tháng 4-2020 để có căn cứ cho việc xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này" – ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu.
Các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được dành thời lượng 9,5 ngày, bao gồm 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị UBTVQH “kiên quyết hơn trong chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan hữu quan chuẩn bị nội dung kỳ họp để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, giảm khó khăn cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra, chỉnh lý, hoàn chỉnh các nội dung thuộc trách nhiệm”.