Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20-5

Chiều 17-4, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17-4
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17-4

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

CƯỜNG.jpeg
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Trước ý kiến đề nghị giảm 0,5 ngày (xuống còn 2 ngày) đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, theo quy định thì thời gian chất vấn tại kỳ họp hàng năm ít nhất là 3 ngày. Tuy nhiên, theo thông lệ tại các kỳ họp gần đây, Quốc hội đều dành 2,5 ngày cho hoạt động này và qua đánh giá của các đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá kết quả kỳ họp thì việc bố trí thời gian 2,5 ngày là phù hợp. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị giữ nguyên việc bố trí thời gian 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp như dự kiến.

Ngoài các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam, theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp nội dung: giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Ngoài ra, Tổng Thư ký đề xuất bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật, báo cáo có tác động lớn, được cử tri và nhân dân quan tâm, bao gồm 6/10 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua (Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); 10/11 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Cùng với đó là báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20-5 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 27-6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 là 17 ngày (từ ngày 20-5 đến 8-6) và đợt 2 là 9 ngày (từ ngày 17-6 đến 27-6).

HỘI TRƯỜNG.jpeg
Quang cảnh phiên họp chiều 17-4

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ có sự quan tâm chuẩn bị từ sớm, từ xa. Ngay sau kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã có 10 văn bản chỉ đạo các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chuẩn bị.

“So với kỳ họp trước thì Chính phủ có chuyển động tốt hơn để hồ sơ được chuẩn bị đảm bảo chất lượng và kịp thời” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Có cùng nhận định rằng khối lượng công việc tại kỳ họp thứ 7 là rất lớn, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ phải trình Quốc hội trên 50 hồ sơ. Hiện nay, Chính phủ đã chuẩn bị xong 27 hồ sơ. Sau phiên họp này, Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, đánh giá cao tinh thần tích cực, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan hữu quan trong chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đề cao trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để chuẩn bị nội dung cho kịp thời; sớm gửi hồ sơ để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu.

“Tình trạng gửi chậm tài liệu thì đại biểu than phiền nhiều. Nên nội dung nào đã có ý kiến của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kết luận rồi thì đôn đốc, cái nào có trước gửi trước và gửi càng sớm càng tốt”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định, tới thời điểm này không còn thời gian để xem xét thêm các nội dung khác.

Tin cùng chuyên mục