Trình bày báo cáo tóm tắt về dự kiến chương trình và nội dung chủ yếu của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23-10 đến ngày 28-11-2023, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ ngày 23-10 đến ngày 10-11; đợt 2 từ ngày 20 đến ngày 28-11. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Để tổ chức thành công kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị chu đáo nội dung, chương trình và các điều kiện bảo đảm tổ chức hiệu quả kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo chiều 19-10. Ảnh: QUANG PHÚC |
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 1 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Cùng với đó, xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội; các báo cáo công tác tư pháp; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Kỳ họp này sẽ thực hiện các lời hứa và các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ khoá XIV và từ đầu khóa XV đến nay. “Nội dung làm việc của kỳ họp lần này rộng và không như các kỳ trước là chỉ tập trung vào chất vấn 4 Bộ trưởng, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng. Những chất vấn của kỳ họp thứ 4 đến kỳ họp thứ 5 đều sẽ được xem xét thảo luận”, ông Bùi Văn Cường thông tin.
Nhiều nội dung của kỳ họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp; các phiên thảo luận ở hội trường về các nội dung quan trọng…