Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội dự kiến chỉ kéo dài 19 ngày làm việc
SGGPO
Tiếp thu ý kiến của các cơ quan hữu quan, dự kiến sẽ rút 4 dự án Luật ra khỏi chương trình, gồm Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số để tiếp tục hoàn thiện.
Tại phiên họp sáng nay, 17-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của các cơ quan hữu quan, dự kiến sẽ rút 4 dự án Luật ra khỏi chương trình, gồm Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số để tiếp tục hoàn thiện. Rút các báo cáo công tác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời bổ sung một số báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, gồm Báo cáo của Chính phủ về kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2017; kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017.
Ngoài ra, đối với các dự án luật khác trình tại phiên họp này (như Luật Quản lý phát triển đô thị…), sau khi các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, nếu vẫn không đủ điều kiện về hồ sơ tài liệu, chất lượng dự án để trình Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, rút khỏi dự kiến chương trình.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 19 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 11 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 6,5 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-5-2018 và dự kiến bế mạc vào 14-6-2018.
Góp ý về vấn đề việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều thể hiện quan điểm kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những dự án luật chưa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, có thể gom thêm một số dự án luật chỉ sửa đổi, bổ sung không nhiều để đảm bảo triển khai Luật Quy hoạch vào một luật. Như vậy, Quốc hội có thể sẽ xem xét, thông qua dự án một luật sửa 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị căn cứ nội dung để phân bổ thời gian thảo luận hợp lý cho các dự án luật, trong đó dành thêm thời gian cho dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt…
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Về mảng công tác giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ có báo cáo về việc xử lý 12 dự án thua lỗ trong ngành Công Thương và tập hợp báo cáo về những vấn đề bức xúc đã được Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban giám sát, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội cho ý kiến, ban hành Nghị quyết để tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát. Tổng kết phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với ông Hà Ngọc Chiến, song cho rằng nên thực hiện từ kỳ họp sau để việc chuẩn bị được kỹ càng hơn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến
Về cách thức chất vấn tại nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành đổi mới, nhưng tiến hành bước đầu. “Cụ thể là khống chế thời gian hỏi và trả lời, mỗi đại biểu cũng chỉ nêu câu hỏi trong 1 phút, song sẽ để 3 đại biểu nêu câu hỏi, sau đó Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ trả lời. Việc này có thể giảm bớt áp lực cho Bộ trưởng khi đứng trước gần 500 đại biểu Quốc hội và cũng để Bộ trưởng có thời gian suy nghĩ, sắp xếp trả lời hợp lý hơn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định.