Ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã hoàn tất phần trả lời chất vấn trước Quốc hội. Chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐB) tập trung vào nội dung: xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; việc quản lý các thuê bao; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật…
Cùng ngày, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, đã có tới 107 đại biểu Quốc hội (ĐB) đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (một con số kỷ lục), cho thấy sự quan tâm rất lớn của Quốc hội về hàng loạt vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng hệ thống vị trí việc làm; nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng thiếu giáo viên ở rất nhiều địa phương…
Tuyên chiến với SIM rác
ĐB Lê Thị Song An (Long An) chất vấn về tình hình tội phạm công nghệ cao như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng và đá gà, đánh bạc qua mạng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trả lời, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lừa đảo qua mạng là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước, gần đây có rất nhiều vụ lừa đảo sử dụng các phương tiện thông tin, trong đó có số điện thoại và thông qua các trang web. Việc đầu tiên mà Bộ TT-TT làm là hoàn thiện các văn bản, thể chế đã ban hành, trong đó định nghĩa rõ các hành vi và quy định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển cho công an xử lý hình sự. Bộ TT-TT đã rà quét và ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo, nếu như không ngăn chặn 1.700 trang web này thì sẽ có khoảng 3,1 triệu người truy cập vào và xác suất bị lừa đảo rất lớn.
Nhiều ĐB cũng chất vấn về vấn đề SIM rác. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã triển khai 3 công đoạn lớn. Một là tất cả các thuê bao không có đầy đủ thông tin thì bị xóa khỏi hệ thống; năm 2018 còn 22 triệu số thuê bao không có thông tin đầy đủ, đến năm 2022 đã không còn.
Hai là xác nhận thông tin đó có chính xác không, hiện chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đang thực hiện việc đối soát và Thủ tướng chỉ đạo là cơ bản trong năm 2022, chậm nhất đầu năm 2023 phải xong.
Thứ ba, đang tập trung xử lý SIM chính chủ, khi xử lý xong vấn đề này sẽ ngăn chặn được một cách rất đáng kể chuyện dùng số điện thoại để lừa đảo, hay các cuộc gọi rác không liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, hiện nay mỗi một tháng chúng ta chặn 50 triệu tin rác bằng công nghệ. “Nếu khẳng định xử lý SIM rác triệt để theo nghĩa bằng 0 thì chắc không làm được, nó vẫn tồn tại nhưng phấn đấu đưa về mức chấp nhận được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Quyết liệt ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng
ĐB Lê Thị Song An (Long An), ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cùng chất vấn đâu là giải pháp triệt để, căn cơ nhất để chống thông tin xấu độc khi lực lượng của ngành TT-TT quá mỏng trước hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, ngăn chặn thông tin xấu, độc thực sự rất khó khăn. Lực lượng chức năng thì mỏng, trong khi đó 1 người Việt Nam hiện nay có trung bình gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau. Quan điểm của Bộ trưởng là thế giới thực ra sao thì lên không gian mạng như vậy, ai quản lý cái gì trên thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó, tức là tất cả chúng ta phải vào cuộc. Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường đều phải quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Thậm chí, từng tế bào xã hội là gia đình cũng phải quản lý con cái trên không gian mạng như quản lý trong đời thực. Chỉ khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì chúng ta mới có thể giải quyết được căn cơ những vấn đề trên không gian mạng, còn hiện Bộ TT-TT và Bộ Công an là 2 lực lượng chính thì làm không xuể.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, đã nâng tầm xử lý tin giả, yêu cầu thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu, độc từ 48 tiếng xuống 24 tiếng, thậm chí trong vòng 3 giờ đối với những thông tin đặc biệt. Mức phạt hiện nay cũng tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực thì mức phạt của Việt Nam chỉ bằng 1/10. Bộ TT-TT tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc để đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất cũng ngang với trung bình của các nước trong khu vực.
Không hài lòng với câu trả lời, ĐB Đỗ Chí Nghĩa bấm biển tranh luận và cho rằng, trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì khi thực hiện phòng Covid-19 mới đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa… Do đó, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao “vaccine” đề kháng với các thông tin xấu độc.
Trả lời lại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhất trí với ĐB về việc nâng cao “vaccine” đề kháng trước thông tin xấu, độc. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã đề xuất với Bộ GD-ĐT đưa thêm nội dung kỹ năng số vào chương trình đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3 cho các em học sinh, đó chính là một loại đề kháng. Bên cạnh đó, Bộ TT-TT đã chính thức cho chạy một nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản đối với người dân.
“Cần vận hành một hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin. Tức là những thông tin đã định nghĩa là xấu, là độc, là sai thì phải chủ động rà quét và chủ động gỡ thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Nền tảng số trên không gian mạng như hạ tầng trong thế giới thực
Trả lời ĐB Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về nền tảng số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, thì người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, sẽ bị thu thập dữ liệu. Hiện Việt Nam đã công bố, vận hành 52 nền tảng số dùng chung quốc gia, có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam, chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên.
Trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân, đã được quy định trong Luật An toàn thông tin, mỗi một người dân phải bảo vệ tài sản của cá nhân mình. Mặt khác, doanh nghiệp thu thập thì phải thực hiện đúng pháp luật về thu thập thông tin khách hàng. Bộ Công an cũng đang xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các nước ASEAN đã cơ bản có luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chúng ta sẽ làm nghị định trước, tiến tới có luật. Đặc biệt, sẽ tăng mức phạt để bảo đảm tính răn đe. Vừa qua đã tăng mức phạt gấp 2 lần, nhưng mới chỉ 60 triệu đồng - mức cao nhất đối với doanh nghiệp và cá nhân vi phạm thu nhập thông tin cá nhân.
Tham gia giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình trạng thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra một cách rất phức tạp. Để ngăn chặn, phải sớm ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cùng với đó, phải xây dựng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu. Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, khi thực hiện tài khoản định danh điện tử sẽ mang lại tiện ích cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đồng thời hạn chế được các loại tội phạm công nghệ cao, SIM rác.
Cùng giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua chất vấn cho thấy Quốc hội, Chính phủ thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn dài hạn đối với chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, dùng thông tin mà đã đến lúc khẳng định chuyển đổi số là thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, doanh nghiệp, xã hội…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, động lực quan trọng của Chính phủ, của người dân là đẩy mạnh Chính phủ số, cải cách hành chính, cải cách dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tham nhũng vặt, thể hiện Chính phủ hoàn toàn minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình. Về vấn đề không gian mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tâm đắc với ý kiến của ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) khi cho rằng, cần tăng cường nhiều thông tin chính thống, quan tâm hỗ trợ cho báo chí chính thống phát triển để trở thành một loại “vaccine” đề kháng, giúp người dân miễn nhiễm với thông tin xấu độc. Cách tốt nhất để tránh thông tin xấu độc là cơ quan chức năng phải chủ động lên tiếng trước.
Kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh một số quan điểm quản lý của ngành. Đó là: ngành nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì lên không gian mạng quản lý cái đó; dữ liệu cá nhân là tài sản của cá nhân, mỗi người phải biết tự bảo vệ; nền tảng số Việt Nam là lời giải căn bản cho chuyển đổi số Việt Nam; đại học số là lời giải nhân lực số Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để phát triển không gian mạng lành mạnh và an toàn, thì vừa phải hoàn thiện thể chế, vừa phải xây dựng văn hóa số. Năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề dữ liệu số, nâng cao nhận thức về lĩnh vực này.