ĐB Trần Thị Tuyết Hoa dẫn chứng, qua thống kê, có 98% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với các mức độ khác nhau. Trong khi đó, phần phân tích về tình hình nguồn lực lao động lại chỉ đề cập số lao động được giải quyết việc làm (145.800/300.000 lượt người, đạt gần 49% kế hoạch năm) mà không chỉ ra có bao nhiêu lao động bị mất việc làm. “Chúng ta mới chỉ thống kê phần gia tăng, nhưng thực tế còn có phần giảm đi. Có hay không phần giảm đi?”, ĐB Trần Thị Tuyết Hoa hỏi.
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung bổ sung, 6 tháng đầu năm 2020, có hơn 300.000 lao động nghỉ việc trên địa bàn TPHCM. Tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp trên thế giới và nếu xuất nhập khẩu còn gián đoạn, nguyên phụ liệu của doanh nghiệp không còn, thì tình hình lao động tiếp tục mất việc làm, dự kiến khoảng 500.000 người trong 6 tháng cuối năm 2020. Điều đó tác động lớn đến thực hiện nhiều chỉ tiêu mà HĐND TPHCM đã thông qua, trong đó có chỉ tiêu về giải quyết việc làm. ĐB Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi: “TPHCM có giải pháp ra sao? Khi công nhân bị mất việc làm thì việc liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp khác như thế nào để người lao động sớm trở lại thị trường lao động”.
ĐB Nguyễn Thị Nga đề nghị, TP cần đánh giá xác thực tình hình lao động mất việc, lao động giảm việc, người lao động Việt Nam từ nước ngoài về nước tránh dịch, lao động các tỉnh đến TPHCM kiếm việc làm. Bởi vì, đây không chỉ là vấn đề lao động việc làm, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của TPHCM khi đã từng có nhiều người lao động bị lừa về việc làm, tiền mất mà việc thì không có. ĐB Trần Thị Nga cho rằng, TP cần có giải pháp chuyển đổi việc làm cho người lao động, bảo vệ người lao động trong trường hợp này.
Cũng liên quan đến việc làm, dự kiến có gần 2.300 cán bộ không chuyên trách dôi dư ở TPHCM phải nghỉ việc theo tờ trình của UBND TPHCM về số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn. Hiện nay, TPHCM có gần 6.800 cán bộ không chuyên trách. Thực hiện sắp xếp theo nghị định số 34 của Chính phủ, TPHCM sẽ dôi dư gần 2.300 người.
ĐB Huỳnh Đặng Hà Tuyên góp ý, dự kiến thời gian áp dụng từ ngày 1-8, chỉ chưa đầy 1 tháng nữa triển khai là rất đột ngột, áp lực; số lượng cán bộ không chuyên trách còn lại rất khó đảm đương công việc vốn đã quá tải.
ĐB Hà Tuyên đề nghị cần có lộ trình thực hiện việc sắp xếp, bố trí cho phù hợp với tình hình địa phương.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng: “Cần có phương án, lộ trình cụ thể, ai giảm, giảm thời gian nào? Nếu giảm một lúc 2.300 người, hòa tổng chung với cả trăm ngàn người lao động mất việc vì dịch Covid-19, thì đây quả thật là vấn đề xã hội cần được quan tâm”.
Góp ý Tờ trình về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố (gọi tắt là đề án) của UBND TPHCM, ĐB Cao Thanh Bình đồng tình với tờ trình này.
ĐB Cao Thanh Bình bày tỏ, việc thông qua kịp thời, nhằm có những định hướng triển khai các giải pháp đồng bộ hơn để góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Song, ĐB Cao Thanh Bình cũng thể hiện sự thất vọng trước hoạt động của xe buýt. Bởi vì, đây là vấn đề đã được bàn rất nhiều, áp dụng nhiều giải pháp và khoản trợ giá lên đến 1.000 tỷ đồng/năm. Dù vậy, mục tiêu giảm dần trợ giá và tăng chất lượng, sản lượng người đi xe buýt không đạt được. Ngược lại số tiền trợ giá tăng, sản lượng lại có xu hướng giảm. Do đó, các ĐB đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, UBND TP phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh bất hợp lý để cải thiện hoạt động của xe buýt.
* Mâu thuẫn, án mạng vì loa kẹo kéo Đại biểu Cao Thanh Bình phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG Tại buổi thảo luận tổ, ĐB Cao Thanh Bình nhấn mạnh, đây là lần thứ 3 Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đưa ra nghị trường tình trạng loa kẹo kéo hát thâu đêm tại các dân cư. Các loa kẹo kéo với âm thanh, công suất lớn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Từ đó, nảy sinh những mâu thuẫn và thực tế đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra, thậm chí có án mạng như vụ việc xảy ra tại huyện Bình Chánh vào tháng 4-2020. “Mặc dù các địa phương có biện pháp xử lý nhưng chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt”, ĐB Cao Thanh Bình nhận xét và đề xuất nên xem đây là tiêu chí đánh giá việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. |