Không để xảy ra chậm, nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong năm 2022
Theo nghị quyết, kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng chủ động, trách nhiệm, đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua 2 Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quốc hội cũng đã thông qua 12 Nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025; 04 nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2; Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Trong số những trọng tâm công tác thời gian tới, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không để bị tác động, chi phối bởi các hành vi không lành mạnh hoặc lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của tổ chức, cá nhân vào các văn bản quy phạm pháp luật. Xử lý dứt điểm tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết, nhất là văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực từ năm 2019 và năm 2020, phấn đấu không để xảy ra chậm, nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong năm 2022.
Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật trên 85% vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền
Liên quan đến những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Quốc hội đề nghị các cơ quan, người có thẩm quyền tập trung giải quyết và có lộ trình giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là các vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; tổ chức thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.
Về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đồng bộ với việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trước mắt, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ mức đóng hoặc hỗ trợ mức đóng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; ban hành cơ chế tài chính và chính sách cán bộ phù hợp, tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, sớm tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Nghiên cứu đề xuất quy định thời gian đóng, hưởng bảo hiểm xã hội hợp lý trong tình hình mới.
Về phòng chống dịch bệnh, Quốc hội yêu cầu tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thực hiện khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.