Kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khóa X: Bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội

Ngày 15-7, HĐND TPHCM khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) khai mạc kỳ họp thứ 17. Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Đại biểu Quốc hội khóa XV; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM...

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thông tin, kỳ họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng thời, tập trung thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, giáo dục... Đề nghị đại biểu HĐND TPHCM thảo luận kỹ để có những ý kiến đóng góp sâu sắc, giải pháp chất lượng để giúp HĐND TPHCM có cơ sở thông qua những nghị quyết khả năng thực thi cao, sát với thực tế của thành phố.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải thông tin, TPHCM đã đạt một số kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. UBND thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, cũng như tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.

TPHCM đã khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2; thi công “3 ca, 4 kíp” xuyên tết các công trình giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu, như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ (giảm 19,5%)…

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM, nhận định, giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nên có giải pháp quyết liệt hơn, phải đảm bảo giải phóng mặt bằng, tái định cư đi trước.

Đồng tình, ĐB Lê Thị Ngọc Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Sở GTVT TPHCM, đề nghị cần chỉ rõ những dự án nào đang vướng về giải ngân vốn đầu tư công và nguyên nhân từ đâu, nhất là cần chỉ rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.

Trao đổi với đại biểu, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai khẳng định, sở đã làm việc với các chủ đầu tư, yêu cầu có giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ dự án được giao. Thời gian tới, TPHCM thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ giao; UBND thành phố cũng đã thành lập tổ công tác chuyên nhắc nhở, giải quyết phát sinh cho các dự án…

Screenshot 2024-07-16 052601.png

Sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống

Từ đây đến cuối năm có nhiều quy định pháp luật mới bắt đầu có hiệu lực, vì vậy, ĐB Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong dân và thực thi các quy định pháp luật đi vào cuộc sống nhanh nhất.

Cùng quan tâm vấn đề sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, ĐB Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TPHCM, băn khoăn, từ ngày 1-8-2024 đến trước ngày 1-1-2026, TPHCM áp dụng bảng giá đất nào trước khi áp dụng bảng giá đất xây dựng lần đầu được áp dụng từ ngày 1-1-2026 theo Luật Đất đai năm 2024. Đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu UBND TPHCM xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất hiện hành để áp dụng chuyển tiếp từ ngày 1-8-2024. Việc này mới giải quyết được hồ sơ của người dân và doanh nghiệp trong giao dịch liên quan đến đất đai, cũng như làm cơ sở để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án.

P2c.jpg
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi lại, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm hơn dự kiến, không chỉ riêng TPHCM mà các tỉnh thành khác trong cả nước đều điều chỉnh về nội dung triển khai. Tất cả các địa phương phải khẩn trương triển khai nhiều nội dung, công việc để công tác quản lý nhà nước về đất được đạt hiệu quả.

“Trong đó có những nội dung rất quan trọng, tác động đến người dân và doanh nghiệp. Như Bảng giá đất, hiện Sở TN-MT TPHCM đang cùng các sở ngành tập xây dựng để kịp áp dụng từ ngày 1-8. Do vậy, phải khẩn trương nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các công việc của thành phố”, Giám đốc Sở TM-MT cho biết.

Về giải pháp chung, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải, từ đây đến cuối năm, UBND TPHCM đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% kế hoạch. TPHCM tập trung tháo gỡ và triển khai các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Đất đai năm 2024; hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là nguồn lực đất đai.

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM thông qua nghị quyết miễn nhiệm Ủy viên UBND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đặng Minh Đạt (nguyên Chánh Thanh tra TPHCM) và ông Lê Duy Minh (nguyên Giám đốc Sở Tài chính TPHCM). Đồng thời, bầu bổ sung Ủy viên UBND TPHCM đối với ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính và ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TPHCM.

HĐND TPHCM cũng bầu bà Nguyễn Thị Nga giữ chức Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội và bà Phạm Thị Thanh Hương giữ chức Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM.

Tại kỳ họp, lần đầu tiên HĐND TPHCM triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thẩm tra các dự thảo nghị quyết. Phần mềm hỗ trợ hoạt động của HĐND TPHCM đang triển khai ở giai đoạn 1 trong đề án xây dựng trợ lý ảo phục vụ công chức, lãnh đạo TPHCM được Sở TT-TT TPHCM phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai.

Lắng nghe, tâm huyết xử lý vướng mắc của người dân

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, kỳ họp có nhiều nội dung lớn, có ý nghĩa quan trọng, nhất là khối lượng công việc nhằm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của TPHCM.

Vì vậy, TPHCM phải tận dụng thời gian ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền nhằm đưa các chủ trương, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Cụ thể, trong thẩm quyền HĐND, UBND TPHCM chủ động sớm triển khai Nghị định 84 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM. Đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý chủ động triển khai sớm, ban hành chính sách cụ thể hóa để luật Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống. Song song đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết hiệu quả những tồn tại, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Về chính sách an sinh xã hội, cần khẩn trương cụ thể hóa các nội dung thuộc thẩm quyền trong Luật Bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người dân. HĐND TPHCM đẩy mạnh hoạt động giám sát về lĩnh vực lao động việc làm, thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, về công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, giám sát vấn đề về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn, công tác quản lý lòng đường và hè phố...

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý tăng cường công tác phối hợp giữa HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM để giám sát, lắng nghe ý kiến cử tri và người dân. Đồng thời phải có kênh đo sự hài lòng của người dân trên tất cả các lĩnh vực.

“Trong phối hợp làm sao phải có cơ quan xử lý thông tin nhanh nhất khi người dân phản ánh. Chúng ta phải tôn trọng, lắng nghe và có trách nhiệm, tâm huyết để xử lý những vấn đề vướng mắc của người dân”, đồng chí yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục