Kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa X: Huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 22-6, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề). Chủ trì kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

CN1d.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tại kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hướng đến đô thị toàn cầu

Báo cáo tóm tắt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh, quy hoạch xác định mục tiêu TPHCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, TPHCM có 11 triệu người, tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%-9%; GRDP đầu người đạt 14.800-15.400 USD/người; tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% GRDP… Quy hoạch xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. Trong quy hoạch TPHCM, dự kiến thực hiện khoảng 199 dự án, trong đó có khoảng 72 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỷ USD.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu (ĐB) Trương Lê Mỹ Ngọc đề xuất có giải pháp để các sở ngành, địa phương đảm bảo không vi phạm nội dung nào trong quy hoạch đến năm 2050 và thiết lập cơ chế cho người dân tham gia vào việc triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch. ĐB Phạm Đăng Khoa đề xuất tính toán lại quỹ đất cho giáo dục như phải có công nghiệp giáo dục, có tâm thế phát triển, giao lưu công nghiệp giáo dục, hướng đến xuất khẩu giáo dục.

Ở góc độ cơ sở, ĐB Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, với tốc độ tăng dân số đến năm 2030, huyện Củ Chi cần bổ sung khoảng 2.000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân trong huyện. Quy hoạch trước đây, huyện Củ Chi có khu viện trường y tế 108ha đang đề xuất xem xét chuyển thành Khu động lực phát triển, để kêu gọi đầu tư. UBND huyện đề nghị tiếp tục giữ quy hoạch đất xây dựng cơ sở y tế trong Khu động lực phát triển và đề xuất bổ sung quy hoạch 1 bệnh viện quy mô 1.000 giường tại khu vực Đông Nam huyện.

CN2e.jpg

ĐB VƯƠNG ĐỨC HOÀNG QUÂN:

Cần xem xét lại kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố là 8,5%-9%. Theo các chuyên gia về kinh tế, tăng trưởng không còn lãng mạn 7%-8% như chúng ta nghĩ mà chỉ 4%-6% là tốt lắm rồi.

Do vậy, nếu chọn tăng trưởng 8,5%-9% thì tăng trưởng kinh tế thành phố xấp xỉ gấp đôi cả nước, điều này nên cân nhắc.

CHỦ TỊCH UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI:

Trong thời kỳ quy hoạch, chúng ta phấn đấu tăng trưởng 8,5%-9%, là tỷ lệ tăng trưởng rất thách thức đối với TPHCM, nhưng chúng ta phấn đấu, phải có kịch bản, kế hoạch, giải pháp và sự đầu tư để đạt được từ đây đến năm 2030 và phấn đấu giai đoạn sau năm 2030 sẽ đưa tăng trưởng của TPHCM lên 2 con số.

Thành phố có kế hoạch rất cụ thể đi kèm bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện. Song song đó là sửa đổi thể chế, cơ chế chính sách để thành phố huy động hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển.

CN2d.jpg

Đi liền với đó là thu nhập bình quân đầu người đã được tính toán quy mô, kịch bản tăng trưởng GRDP và dân số. Tất cả đều được tính toán theo công thức, mô hình với yếu tố đầu vào đảm bảo sẽ có kết quả. Chúng ta kiểm soát được tăng trưởng, dân số và thực hiện các giải pháp đột phá thì hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng cũng như GRDP đầu người.

Chọn điểm đột phá để phát triển

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định TPHCM sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, có kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra trong quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về quy hoạch không gian, đồng chí khẳng định từ nay đến năm 2030, TPHCM giữ nguyên đơn vị hành chính, đô thị như hiện nay. Giai đoạn này TPHCM thực hiện các nhiệm vụ lớn, là gia tăng nội lực của các đô thị này, định hình rõ nét thành phố trong thành phố đối với TP Thủ Đức.

Đối với 5 huyện, TPHCM sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để 5 huyện này đạt được các tiêu chuẩn đô thị, ít nhất là đô thị loại 3. Đó là cơ sở để đến giai đoạn 2030-2040, TPHCM tổ chức thành 5 vùng đô thị gồm đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; khu Nam; khu Tây Bắc; khu Tây Nam. TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình “thành phố trong làng, làng trong thành phố” theo gợi ý của Thủ tướng để cụ thể hóa trong quy hoạch này.

Để thực hiện được quy hoạch này, theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM cần chọn được những điểm trọng tâm đột phá. Cụ thể, đột phá về thể chế; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về công nghệ thông tin, đường sắt đô thị… vì nếu đảm bảo theo kế hoạch, TPHCM hoàn toàn có thể tăng trưởng 2 con số sau năm 2030. Bên cạnh đó là đột phá cơ cấu kinh tế, chọn lựa đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư.

Theo đồng chí, thời gian qua TPHCM có nhiều cơ chế đặc thù nhưng chưa khai thác hết nên cần phải khai thác tối đa các cơ chế này trong thời gian tới. Đồng thời, phải vượt qua sự e dè, có tư duy, tâm thế hành động mạnh mẽ, thay đổi nhiều hơn nữa để TPHCM luôn là địa phương năng động, sáng tạo để triển khai quy hoạch đạt kết quả cao nhất.

Sau khi thảo luận, HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua nghị quyết về báo cáo lập quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, quy hoạch lần này không chỉ xác định rõ hướng phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đô thị bền vững, hài hòa với môi trường và xã hội. Quy hoạch này sẽ là “kim chỉ nam” cho các hoạt động xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian tới, giúp TPHCM vươn lên trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã chấp nhận cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu và miễn nhiệm Phó Trưởng Ban Đô thị đối với ĐB Huỳnh Hồng Thanh theo quy định, do chuyển công tác và có đơn thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND TPHCM.

Thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã thống nhất thông qua nghị quyết ban hành Đề án Xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cùng với đó là nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn TPHCM.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn trật tự xã hội, phòng chống tội phạm và bảo vệ an toàn cho người dân.

Đồng chí nhấn mạnh, hai nghị quyết này sẽ tạo ra một cơ chế hỗ trợ toàn diện, đảm bảo điều kiện hoạt động tốt nhất cho lực lượng này, nhằm xây dựng lực lượng bám sát địa bàn, kịp thời thông tin các vấn đề liên quan về an ninh trật tự đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục