Kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76: Tinh thần chia sẻ nhân văn giúp thế giới vượt qua đại dịch
SGGP
Ngày 21-9 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao 193 nước thành viên Liên Hiệp quốc tham dự trực tiếp và trực tuyến phiên khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76, tổ chức trụ sở LHQ ở New York, Hoa Kỳ nhằm cùng nhau tìm ra giải pháp cho những thách thức lớn nhất hiện nay.
Ủng hộ phân phối vaccine công bằng
Phát biểu tại lễ khai mạc Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới ủng hộ phân phối vaccine công bằng và không để tình trạng phần lớn các nước giàu đã đạt miễn dịch cộng đồng trong khi 90% người dân châu Phi thậm chí chưa được tiêm mũi 1 vaccine Covid-19. Hiện khoảng 5,7 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm cho người dân ở nhiều nước nhưng chỉ 2% trong số này tới với người dân châu Phi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc Abdullah Shalid bên lề Phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch ĐHĐ LHQ Abdulla Shahid cho rằng, nhân loại đã có vaccine và điều duy nhất còn thiếu là sự ủng hộ về mặt chính trị và tài chính của một số nước. Ông Abdulla Shahid khẳng định, thế giới sẽ sớm vượt qua đại dịch Covid-19 không chỉ bằng khát khao, hy vọng mà bằng tinh thần sẻ chia đầy nhân văn. Ông Shahid cũng cho rằng, mặc dù thế giới đã có những đổi mới thần kỳ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ ứng dụng và dần chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, song thế giới vẫn chưa có được sự ủng hộ, cam kết mạnh mẽ, nhất quán của các chính phủ đối với vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc A. Gunterres phát biểu trong phiên khai mạc. Ảnh: THX
Hợp tác và đối thoại
Đối với tình trạng thế giới ngày càng chia rẽ, phân cực, khó đoán định hơn cả thời chiến tranh lạnh, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước hãy hợp tác hơn, thấu hiểu nhau hơn để khôi phục lòng tin và mở ra hy vọng tươi sáng hơn cho thế giới. Ông chỉ ra rằng, những chia rẽ giữa các cường quốc hiện nay đang đẩy lùi những nỗ lực và mục tiêu ưu tiên của thế giới, khiến nhiều cuộc tranh giành quyền lực thông qua bạo lực, nhiều cuộc đảo chính đã xảy ra. Ông Guterres cũng kêu gọi Trung Quốc và Mỹ cải thiện mối quan hệ trước khi các vấn đề giữa hai quốc gia lan ra rộng ra thế giới; hợp tác về khí hậu và đàm phán mạnh mẽ hơn về thương mại - công nghệ ngay cả khi hai bên chưa giải quyết được những rạn nứt chính trị dai dẳng về nhân quyền, kinh tế, an ninh mạng và vấn đề Biển Đông.
Trong bài phát biểu được phát qua video, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết những khác biệt và bất đồng thông qua “đối thoại và hợp tác”. Trước đó, trong phát biểu tại khóa họp ĐHĐ LHQ, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc, đồng thời cho biết Washington sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi biện pháp hòa bình trước những thách thức chung cho dù có bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác.
Trong ngày hoạt động đầu tiên của chuyến tham dự phiên thảo luận cấp cao ĐHĐ LHQ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có hai cuộc hội kiến quan trọng với Chủ tịch ĐHĐ LHQ Abdulla Shahid và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.
Tại các cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức chung hết sức to lớn hiện nay và mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với LHQ. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang dồn mọi nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid-19, đặt an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết; cảm ơn chương trình COVAX cùng các tổ chức LHQ đã hỗ trợ vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế và tư vấn chính sách về phòng chống dịch cũng như phục hồi sau đại dịch, đồng thời đề nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, nhất là để hỗ trợ triển khai chiến dịch tiêm vaccine rộng rãi cho người dân.
Chủ tịch nước khẳng định, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp hiệu quả vào công việc chung của LHQ, trong đó có việc đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tham gia ứng cử vào các tổ chức LHQ và đóng góp vào nỗ lực cải tổ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của LHQ.
Chia sẻ những khó khăn mà Việt Nam đang phải đương đầu trước làn sóng dịch Covid-19 do biến chủng Delta, TTK LHQ khẳng định, LHQ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch, đồng thời luôn sát cánh, đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Trong lịch trình làm việc, Chủ tịch nước cũng đã có một số cuộc gặp với Chủ tịch Ngân hàng thế giới và lãnh đạo cấp cao các nước như: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, Thủ tướng Ireland Micheal Martin, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Tổng thống Slovenia Borut Pahour, Tổng thống Cộng hòa Dominica Luis Abinader… nhằm trao đổi nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh, phát triển quan hệ với các nước hiệu quả và đi vào chiều sâu, cùng vượt qua các tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tại cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In thông báo hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam hơn 1 triệu liều vaccine vào giữa tháng 10 tới.