Nên xây dựng trên phương án tăng trưởng cao
Thẳng thắn bình luận rằng khi vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh thực tế nguồn lực của Việt Nam, đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nói: “Ta không thể vẽ viễn cảnh như Paris hay New York trong khi nguồn lực thì có hạn”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ đại biểu Quốc hội TPHCM, sáng 6-1 |
Cũng với lập luận này, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, không thể xác định tất cả các ngành công nghiệp đều có mức độ quan trọng như nhau, mà phải có thứ tự ưu tiên. Bàn thêm về nguồn lực thực hiện quy hoạch, ĐB đề nghị chú trọng phát huy hình thức đầu tư công - tư kết hợp (PPP).
Nhắc tới tình trạng sân vận động Mỹ Đình xuống cấp, ĐB Trần Hoàng Ngân chỉ ra một vướng mắc là cơ chế hiện nay chưa cho phép đầu tư PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa.
Theo ĐB, nếu mở rộng sang các lĩnh vực này thì có thể khơi được nguồn đầu tư dồi dào hơn. Đặc biệt, do thời hạn quy hoạch khá dài, có tầm nhìn tới tận năm 2050 nên cần có những giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khi các dự án quy hoạch chưa được thực hiện.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng băn khoăn về tính khả thi của quy hoạch, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nhận xét: “Tôi rất băn khoăn về mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới năm 2050 tối đa lên tới 32.000 USD. Đây là mục tiêu khá khó để đạt được”.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch hiện còn chưa đầy đủ, mà khi thiếu cơ sở dữ liệu thì quy hoạch chưa đảm bảo tính sát thực. “Hiện có sự chồng lấn, chồng chéo giữa các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực… Ai sẽ là người tổng chỉ huy, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo này?”, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng nêu vấn đề.
Phát biểu tại buổi thảo luận, nhìn nhận chung về dự thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc so sánh: “Dù còn mặt này mặt khác nhưng coi như xương sống, xương sườn đã có, bây giờ Chính phủ cần ban hành nghị định để hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện”.
Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (quy hoạch đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng - PV), với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Về vai trò, vị trí của TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng, mở đường cho TPHCM được hưởng các chính sách vượt trội, tạo điều kiện cho thành phố phát huy tính năng động, sáng tạo; thí điểm chính sách mang tính đột phá.
“Đây là cơ hội, thời cơ vàng để thành phố thu hút đầu tư từ xã hội. Các đồng chí cần tập trung nguồn lực, sức lực, trí tuệ để triển khai nghị quyết, khai thác tốt nhất những lợi thế phát triển”, Chủ tịch nước phát biểu.
Quy hoạch gắn với lợi thế của từng vùng, từng địa phương
Theo ĐB Trần Công Phàn (tỉnh Bình Dương), hiện nay, tỉnh nào cũng có sân bay, có cảng, có khu công nghiệp mà không dựa trên nguyên tắc nào. “Sân bay quốc tế thì ít nhất phải cách nhau 500km. Chúng ta trong khoảng 450km nhưng có tới 5-6 sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy thì không được”, ĐB Trần Công Phàn đánh giá. Trong khi đó, theo ĐB, Việt Nam có lợi thế về đường biển và kinh tế biển cũng được xác định là mũi nhọn, song có những cảng biển có nhiều lợi thế như Vân Phong (Khánh Hòa) xây dựng 1 năm xong thì... bỏ.
Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (tỉnh Bình Định) lo lắng về ĐBSCL - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đe dọa đến an ninh lương thực. Trong tương lai phải tính đến việc ngăn chặn quá trình tác động này của tự nhiên, song vấn đề này lại chưa được thể hiện rõ nét trong bản quy hoạch.
Bên cạnh đó, ông Phớc cho rằng nên quan tâm thêm đến vùng Tây Nguyên với đất đai rộng lớn, tài nguyên dồi dào, có thể phát triển công nghiệp rất tốt. ĐB cũng đề nghị quy hoạch đến năm 2030 cần tạo được “bộ khung” cơ sở hạ tầng “cứng” cho cả nước như bao nhiêu sân bay, cảng biển trọng điểm cần đầu tư, các tuyến đường cao tốc…