Chi tiết đến mức nào thì vừa?
Góp ý về bản quy hoạch, đại biểu (ĐB) Trịnh Xuân An (Đồng Nai) thẳng thắn bình luận: “Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải bản tập hợp hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, cũng không phải nhắc lại cơ học chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên nêu khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng các chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp”.
Cùng quan điểm, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nói: “Việc mới, việc khó chưa có tiền lệ chắc chắn không thể cầu toàn”. Dù thời gian từ nay đến khi Quốc hội bấm nút quyết định là rất ngắn, song với tính chất đặc biệt quan trọng của quy hoạch này, ĐB cho rằng việc tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch là hết sức cần thiết. Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, tại các phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến rất băn khoăn về mức độ chi tiết của quy hoạch này để vừa đảm nhận vai trò là nền tảng dẫn dắt các quy hoạch cấp dưới, vừa không “bó chân, bó tay” các cấp, ngành, địa phương khi triển khai thực hiện.
Mặt khác, ĐB lưu ý, bối cảnh từ năm 2021 đến nay cho thấy, không chỉ có dịch bệnh mà tình hình thế giới cũng đầy bất định trên nhiều phương diện. Vì thế, theo ĐB, quy hoạch tổng thể không cần nêu quá nhiều con số chi tiết, mà cần đạt được tính khái quát cao hơn, ưu tiên các mục tiêu không gian phát triển quốc gia được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về các vùng động lực, bên cạnh 4 vùng đã nêu trong quy hoạch, ĐB Trịnh Xuân An đề nghị bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa - Nghệ An. Về 3 ngành kinh tế chiến lược là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, ĐB Trịnh Xuân An đề nghị xác định rõ nông nghiệp là lĩnh vực có lợi thế so sánh, có thể “chiến đấu” được với thế giới, nhưng phải bổ sung thêm nội dung về nông nghiệp chế biến sâu.
Cũng quan tâm đến 4 vùng kinh tế động lực, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) nhấn mạnh yêu cầu phát triển đường sắt đô thị. Theo ĐB, hiện nay, hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đã và đang được phát triển, nhưng các đô thị khác của những vùng động lực này cũng phải tính toán phát triển đường sắt đô thị để kết nối với thành phố hạt nhân là Hà Nội và TPHCM, phát huy tối đa hiệu quả của đường sắt đô thị.
Xác định đúng lợi thế và thứ tự ưu tiên phát triển
Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) và nhiều ĐB khác, cần xác định đúng lợi thế và thứ tự ưu tiên phát triển. Nêu ví dụ cụ thể về định hướng phát triển ngành du lịch, theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay, quy hoạch vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển chính theo vùng. Cả 6 vùng kinh tế đều nêu các sản phẩm du lịch chính giống nhau, liệt kê các sản phẩm du lịch hiện có theo vùng, chứ chưa xác định sản phẩm du lịch chính, nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng. Chẳng hạn, 4/6 vùng liệt kê sản phẩm chính là biển đảo; 5/6 vùng sản phẩm chính là du lịch sinh thái… “Khi xác định được sản phẩm du lịch chính thì mới có phương hướng để đầu tư phát triển, chứ liệt kê đầy đủ lại rơi vào đầu tư dàn trải, không có sự tập trung, thiếu trọng điểm, thiếu hiệu quả thì sẽ không khắc phục được hạn chế, tồn tại”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói đây là lần đầu Việt Nam xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, nên “rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm”. Tuy nhiên, việc xây dựng, thông qua quy hoạch lại rất quan trọng, cấp thiết và các bộ, ngành địa phương đang rất mong đợi để có căn cứ lập các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành.
Người đứng đầu ngành KH-ĐT cũng thừa nhận, khó khăn nhất khi lập quy hoạch này là làm sao để không chung chung quá, không chi tiết quá. “Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tinh thần quy hoạch chiến lược theo hướng phân vùng, liên kết vùng và xác định không gian phát triển đất nước có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra động lực phát triển mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết.
Phân tích thêm về lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao (GDP tăng bình quân 7%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đề xuất được đưa ra trên cơ sở đánh giá tác động, cân đối các nguồn lực, cũng như dự báo tình hình thế giới, yêu cầu phát triển của đất nước theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030. Theo đó, sẽ cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP để thực hiện kịch bản này. Tuy con số rất lớn nhưng đây là phương án khả thi. Nguồn lực thực hiện sẽ được huy động từ Nhà nước, tư nhân, đối tác công - tư (PPP), đầu tư nước ngoài...
Cần đánh giá rất thận trọng khi định hướng phát triển báo chí
Bàn về quy hoạch tổng thể quốc gia tại phiên thảo luận sáng 7-1, ĐB Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, xoáy sâu vào lĩnh vực báo chí, thông tin. Quy hoạch xác định hình thành mạng lưới 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn, tích cực trong xã hội để có sự hỗ trợ phù hợp.
Mặc dù hoan nghênh Chính phủ đã quan tâm đến đầu tư cho báo chí, song ĐB Đỗ Chí Nghĩa nêu vấn đề: “Vậy 80% các cơ quan báo chí còn lại thì sao, 80% các cơ quan báo chí này có quan trọng hay không? Có phải nếu chúng ta phân định thế này sẽ dễ dẫn đến sự phân tâm và liệu đầu tư hiệu quả?”. ĐB gợi ý nên đầu tư thông qua hình thức đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao thay vì ưu tiên đầu tư lớn vào một số cơ quan báo chí, trong điều kiện nguồn lực có hạn.
Về định hướng khuyến khích sáp nhập các tổ chức, cơ quan báo chí của các tỉnh, các bộ ngành theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, ĐB Đỗ Chí Nghĩa phát biểu: “Chúng ta đã có quy hoạch báo chí hướng đến năm 2025 và hiện một số đơn vị đã sáp nhập các cơ quan truyền thông. Do đó, cần thận trọng đánh giá tác động trước khi có định hướng lớn thế này trong sự phát triển của báo chí”.