Ký họa chiến tranh của Nguyễn Hải Nghiêm

Ký họa chiến tranh của Nguyễn Hải Nghiêm

Có một người lính - họa sĩ vừa đánh giặc vừa tranh thủ phác thảo trên trang giấy để lưu lại những hình ảnh thiêng liêng của dân tộc.

Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (ký họa tại chỗ).
Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (ký họa tại chỗ).

Trưa ngày 30-4-1975, trong cánh quân phía Đông - đội hình Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, vào giải phóng Sài Gòn, người lính - họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm đã kịp có những ký họa về cuộc tấn công của bộ đội vào dinh lũy cuối cùng của chế độ cũ.

Ông chẳng lạ lẫm gì trong giới hội họa nước nhà và cánh nhà văn nhà thơ, đặc biệt văn nghệ sĩ quân đội nhưng vốn bản tính khiêm nhường nên ông không phải là nhân vật của đám đông.

Sinh viên các trường đại học Hà Nội nhập ngũ tháng 6-1971 hồi ấy phần lớn trở thành những người lính của Quân đoàn 2, đặc biệt là Sư đoàn 325 lừng danh. Những người lính - sinh viên của Sư đoàn 325 nhiều người đã vĩnh viễn không trở về và sống mãi với tuổi hai mươi, trong đó có Nguyễn Văn Thạc.

Trước khi nhập ngũ, Nguyễn Hải Nghiêm là sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Chàng trai ven đô TP Bắc Ninh luôn luôn song hành bên mình cây súng và cây cọ vẽ. Nguyễn Hải Nghiêm có sự say mê và thích thú với ký họa. Ở bất kỳ đâu anh cũng có thể dùng cây bút chì khắc họa những con người, những cảnh vật mình yêu thích. Bạn bè còn lưu giữ nhiều những bức chân dung anh vẽ khi ngưng tiếng súng giữa hai trận đánh, khi nghêu ngao hát và đung đưa cánh võng giữa núi rừng Trường Sơn...

Những ký họa chiến tranh năm 1975 của họa sĩ Hải Nghiêm thấy rõ sự bộn bề của chất liệu, hiện thực cuộc sống - mà cuộc sống ở đây là cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt giữa ta và địch. Sự cứng cỏi của nét vẽ cùng cách bố cục đã tiềm ẩn một Nguyễn Hải Nghiêm sắc sảo trong cách nhìn, nhân hậu và lãng mạn nhưng cũng đầy phức tạp và giằng xé nội tâm... Những ký họa của ông cùng nhiều ký họa về chiến tranh của các họa sĩ khác trở thành những tài sản vô giá mà, người lính - họa sĩ đã thậm chí đổ máu của mình trên các chiến trường mới có được.

Phục vụ nhiều năm ở Điện ảnh Quân đội, đến khi nghỉ hưu họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm mới chuẩn bị triển lãm tranh đầu tiên của ông. Và một mảng không thể thiếu được đó là những ký họa về chiến tranh, đặc biệt là Sài Gòn những ngày tháng tư năm 1975.

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục