Từ khó khăn, nghèo đói, giờ đây bà con dân tộc Lô Lô không chỉ biết làm nương giỏi, chăn nuôi tốt mà còn phát triển các nghề dịch vụ du lịch để xóa nghèo đói, vươn lên khấm khá.
1. Chúng tôi lên vùng đất cao nguyên đá Đồng Văn vào những ngày hè nắng cháy. Cả một vùng cao nguyên mênh mông, được ví “đá nhiều hơn đất” càng trở nên khô cằn, khốc liệt. Đứng trên Cột cờ Lũng Cú - nơi thiêng liêng của Tổ quốc, trong lòng mọi người đều có chung một cảm giác bồi hồi xúc động. Nhìn ra bốn phía, khung cảnh hùng vĩ của mảnh đất địa đầu hiện ra với những bản làng ẩn hiện, nhấp nhô giữa dải đá tai mèo.
Ở ngay chính Cột cờ Lũng Cú, chúng tôi bị thu hút bởi bộ trang phục của các cô gái Lô Lô. Sau vài lời làm quen, chúng tôi được biết mấy phụ nữ này là người Lô Lô Hoa ở bản Lô Lô Chải. Họ cùng du khách ra cột cờ để giao lưu, chụp ảnh. Các cô gái xinh tươi, nhanh miệng mời chúng tôi cùng nhóm du khách vào thăm nơi ở của mình - bản nằm nép mình dưới chân Núi Rồng.
Vào tới bản Lô Lô Chải, trước mắt là những ngồi nhà trình tường đắt đấp vàng ươm, mái lợp ngói mũi. Tuy cộng đồng người Lô Lô ở Việt Nam có số dân khiêm tốn, nhưng họ vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Nhà trình tường đắp đất và những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu của các cô gái Lô Lô Hoa… chính là nét đặc trưng văn hóa người Lô Lô. Nhà trình tường thường cao 1 - 2 tầng, là sự kết hợp tuyệt vời của đất (tường nhà), gỗ (cột nhà, cánh cửa, cửa sổ) và đá (lát hiên, lát sân, hàng rào). Theo người dân ở đây, nhiều ngôi nhà đã trải qua hơn nửa thế kỷ, giờ vẫn được bảo tồn và gìn giữ.
2. Chia tay những cô gái Lô Lô Hoa dễ mến, chúng tôi tìm đến nhà anh Bí thư chi bộ Vàng Dỉ Tình. Anh Vàng Dỉ Tình năm nay 44 tuổi, nhưng đã có thâm niên 19 năm làm Bí thư chi bộ bản Lô Lô Chải. Vì thế, đường đi, lối lại, con người, văn hóa, sinh hoạt… ở đây anh đều am hiểu.
Gặp chúng tôi ở dưới xuôi lên, anh Tình vui mừng tâm sự: “Cộng đồng dân tộc mình đã định cư ở Lô Lô Chải từ rất lâu rồi, đến cả ngàn năm. Bên Trung Quốc, Thái Lan, Lào cũng có những nhánh anh em với cộng đồng người Lô Lô ở Lũng Cú nói riêng và vùng núi phía Bắc”.
Anh Tình cho biết, hiện bản Lô Lô Chải có 107 hộ, với 507 nhân khẩu, trong đó cộng đồng người Lô Lô Hoa chiếm gần 95% dân số; ngoài ra còn có vài hộ người Mông, Tày. Đứng dưới hiên nhà, anh Tình chỉ tay về những quả núi bao quanh bản, cho biết, người Lô Lô Hoa trước đây rất nghèo khó, chỉ biết trồng ít lúa, bắp trên nương và nuôi vài con gà, con heo. 7 - 8 năm trước, trong bản có đến gần 60% số hộ thuộc diện hộ nghèo, thậm chí nhiều hộ lâm vào tình cảnh đói ăn. Đường giao thông không thuận tiện, bản như một ốc đảo đá khô cằn, bị cô lập bởi những dãy núi cao chót vót. Người dân chỉ có thể canh tác lúa, bắp giữa các hộc đá tai mèo lởm chởm; mảnh vườn trồng ít rau, thả mấy con gà, con vịt… Tuổi thơ của anh Tình cũng như nhiều người cùng trang lứa luôn trong tình trạng thiếu cơm ăn, chứ nói gì đến thịt.
Những hình ảnh buồn ngày nào giờ đã trở thành quá khứ, chỉ còn trong ký ức của dân bản. Từ năm 2012 đến nay, bản Lô Lô Chải đã đổi thay nhanh chóng. Cái mấu chốt cho sự đổi thay thần tốc ấy, theo anh Tình, chính từ du lịch cộng đồng. Du lịch đã làm cao nguyên đá Đồng Văn trở nên nổi tiếng, thành điểm đến trong hành trình của các tour trong và ngoài nước. Du khách đến tham quan, trải nghiệm cột cờ Lũng Cú ngày càng đông. Và rất nhiều trong số ấy đã ghé thăm bản Lô Lô Chải.
3. Làm dịch vụ du lịch của anh Tình, anh Gai, lúc đầu cũng đơn giản lắm. Thỉnh thoảng có đoàn khách đến thăm bản, có nhu cầu ngủ qua đêm hay ăn uống, gia đình lại làm cơm, dọn phòng để phục vụ. Hai anh sắm luôn vai hướng dẫn viên để đưa các đoàn khách đi tham quan quanh bản và mời một số thiếu nữ Lô Lô Hoa xinh đẹp mặc trang phục truyền thống ra đứng chụp ảnh cùng với du khách...
Khi nhu cầu du khách lưu trú, trải nghiệm và ăn uống tại bản nhiều hơn, 2 anh quyết định gom tiền gia đình, vay thêm họ hàng để xây căn nhà trình tường 2 tầng phục vụ du lịch. Hai khu nhà của cán bộ thôn có tất cả 6 phòng ngủ riêng và 2 phòng ngủ tập thể (homestay), có thể cùng lúc phục vụ 50 - 60 du khách.
Để phục vụ khách đến bản tham quan, bà Mùng Thị Gối lúc đó đã ngoài 70 tuổi quyết định mở quán “cà phê Cực Bắc”. Quán cà phê độc nhất vô nhị của bà Gối nhanh chóng nổi tiếng và trở thành điểm check-in của du khách. Nhiều du khách bảo rằng chưa check-in ở quán cà phê Cực Bắc thì chưa phải đến Lô Lô Chải.
Từ việc cán bộ đi đầu làm trước, đến nay bản Lô Lô Chải đã có 11 hộ làm dịch vụ du lịch homestay. Bản Lô Lô Chải còn có nhóm phụ nữ chuyên mặc trang phục truyền thống để làm mẫu cho khách du lịch thuê chụp. Giá thuê chụp ảnh du lịch không ổn định, tùy từng đoàn, nhưng đó là khoản thu nhập phụ giúp trang trải cho cuộc sống gia đình.
Từ năm 2016, khi hệ thống đường, điện nước được xây dựng hoàn chỉnh, Lô Lô Chải đã trở thành điểm đến du lịch ấn tượng, thu hút đông đảo du khách. Chúng tôi đến thăm khu nhà dịch vụ du lịch mới, rất ấn tượng của gia đình anh Gai. Khu nhà được thiết kết theo lối kiến trúc nhà trình tường truyền thống, chỗ ngồi uống cà phê làm bằng tre gỗ lạ mắt. Xung quanh nhà là sân vườn, cỏ cây hoa lá hài hòa với thiên nhiên.
4. Đẩy mạnh phát triển du lịch và chăn nuôi, trồng trọt theo hướng tăng năng suất, đến ngay đời sống kinh tế, sinh hoạt của bà con bản Lô Lô Chải đã đổi thay. Anh Vàng Dỉ Tình rất vui cho biết, cuối năm 2018 bản chỉ còn 7 hộ thuộc diện nghèo và theo kế hoạch đến cuối năm 2019 sẽ xóa toàn bộ diện hộ nghèo trên. Ngoài những hộ chuyên làm dịch vụ du lịch, người dân trong bản còn được hướng dẫn phát triển nghề dệt thổ cẩm, làm quà lưu niệm, nấu rượu bắp men lá, nuôi gà chạy bộ… để cung ứng cho khách.
Theo Bí thư Tình, các hộ làm du lịch ở bản đã thu về 5,2 triệu đồng/tháng/hộ, tức khoảng hơn 60 triệu đồng/năm; trong đó gia đình anh Gai, ông Hóa, ông Cảnh doanh thu từ du lịch lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. Hơn 80% số hộ đã có ti vi, xe máy, tủ lạnh và các thiết bị đắt tiền. Cuộc sống người dân ở Lô Lô Chải đang đổi thay, phát triển từng ngày.