Những ngôi nhà “dị thường” trong thành phố

Kỳ cuối: Ngôi nhà và chiếc hố chôn tội ác

Kỳ cuối: Ngôi nhà và chiếc hố chôn tội ác

Đó là ngôi nhà nhỏ, chỉ khoảng 40m2 nằm trong một con hẻm hẹp và thấp, thuộc khu xóm nghèo ở quận Tân Bình, cư dân đa phần là người lao động và dân nhập cư. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu nơi đây không từng xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng, khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ…

  • Ngôi nhà dán bùa và những nữ sinh bỏ chạy
Kỳ cuối: Ngôi nhà và chiếc hố chôn tội ác ảnh 1

Người vừa đến thuê chưa được 1 tuần đã dọn đi. Cửa lại được sơn mới và dán thêm bùa. (Ảnh chụp sáng ngày 29-5-2007. S.P.)

Bao nhiêu năm qua, những thông tin về ngôi nhà luôn được cập nhật, là đề tài thời sự tại các quán cà phê quanh khu vực này. Câu chuyện về các nữ sinh viên đến trọ học, rồi lần lượt kẻ trước người sau… bỏ chạy luôn luôn được người ta kể đi, kể lại không biết bao nhiêu lần. “Người ở lâu nhất chưa được đầy tháng, còn người mau nhất chưa tới 1 tuần” – những người hàng xóm kể. “Nửa đêm, chợt thấy một cô sinh viên tung cửa lao bắn ra khỏi nhà, vừa chạy vừa khóc” – một người dân phụ họa. “Buổi trưa có anh sinh viên đến tìm bạn gái. Gõ, gọi rồi đập cửa mãi một lúc sau mới thấy cô bạn xuất hiện, mặt mũi thất thần, cô ấy nói không ra mở cửa được vì bị đến… 3 cái bóng đè” - một người khác thêm. Được biết, cách đây 1 tuần lại có người dọn đến rồi cũng vội vã dọn đi. Ngôi nhà lại được quét sơn mới và cửa lại dán thêm lá bùa mới chờ người kế tiếp đến thuê.

  • Cú điện thoại khẩn của anh thợ hồ

Vào một buổi trưa cuối năm 2000, khi người người tất bật, nhà nhà nô nức chuẩn bị đón tết Canh Thìn thì anh trực ban Công an phường 13, quận Tân Bình, bất ngờ nhận được một cú điện thoại lạ lùng của một người thợ hồ ngụ cùng phường, giọng rụt rè, nghi hoặc: “Tôi được thuê đào một cái hố vừa to, vừa sâu, lại gần như ngay giữa nhà, cạnh lối cửa ra vào, chủ nhà nói là đào hầm phân tự hoại. Vừa bước vào nhà tôi đã nghe mùi tanh hôi rất khó chịu, chủ nhà bảo do cống nghẹt nhưng tôi quan sát thấy phía chiếc giường được che chắn nhiều mùng màn, có một vệt nước đen chảy ra… Tôi ngờ có một vụ giết người và hình như người ta đang định thủ tiêu xác, các anh cho người tới đào chiếc hố này lên coi thử”.

Thông tin lập tức được báo cáo, xác minh. Tại khu vực trên, nhiều bà con cũng phản ánh rằng vài ngày qua nghe có mùi khăn khẳn mà không biết xuất phát từ đâu. Đến gần căn nhà “có chiếc hố lạ lùng”, mùi hôi càng nồng.

Nhà vắng. Công an phường phối hợp với cảnh sát hình sự, ban điều hành khu phố và tổ dân phố phá khóa bước vào. Trên nền gạch có dấu vết một chiếc hố to, hình chữ nhật vừa mới tráng xi-măng. Căn nhà lập tức được niêm phong chờ quyết định.

Sáng sớm hôm sau, một thanh niên đến công an phường cự nự: “Tại sao niêm phong nhà có chủ?”. Anh ta lập tức bị giữ lại. Tra vấn đến hết ngày, anh ta cũng chỉ loanh quanh “không biết”, cho đến khi một cảnh sát hình sự nói thẳng: “Chúng tôi sẽ cho đào chiếc hố ở nhà anh lên xem có gì”. Anh thanh niên liền tái mặt…

  • Mâu thuẫn từ anh em Thuận, Hòa

Chủ nhân ngôi nhà đó là ông bà Nguyễn Thiếp, Nguyễn Thị Tuyết Lan - cán bộ hưu trí, quê quán Quy Nhơn, Bình Định, tạm trú TPHCM, diện KT3 - và 2 con trai “trên Thuận, dưới Hòa”.

Anh con trưởng Nguyễn Minh Thuận được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, tốt nghiệp ĐH Tài chính-Kế toán nhưng chưa tìm được việc làm. Nguyễn Minh Hòa chỉ học hết lớp 12 và đã đi làm vệ sĩ tại Công ty Bảo vệ Long Hải. “Hòa người cao, to nhưng tính tình hiền lành, chịu khó, siêng năng. Dạo đó, Hòa đang được phân công bảo vệ tòa nhà Sun Wah thì được tin anh bị giết” - Giám đốc Kế hoạch Công ty Bảo vệ Long Hải, bà Bùi Thị Hòa, nhớ lại.

“Cả nhà chỉ trông cậy vào đồng lương của Hòa, bà Lan bị tai biến mạch máu não nên thường xuyên ra vào bệnh viện. Không có việc làm, Thuận lại là người thích ăn chơi, tiêu xài, nên thường “thó” tiền trong túi của em trai, vì thế anh em Thuận, Hòa liên tục cãi vã. Ông Thiếp, bà Lan thường bênh vực Hòa hơn. Với chút tiền hưu trí, ông bà có lần tiết lộ với hàng xóm “để dành lo cho thằng út lấy vợ”. Thuận biết được điều đó nên càng nuôi lòng thù ghét em” – anh Q., người hàng xóm nhà ở ngay đầu hẻm, kể.

  • Lời khai ban đầu

Thuận khai Hòa để mẹ té nên la mắng, Hòa cãi lại, Thuận lấy thanh ma trắc vụt vào mặt Hòa, Hòa quỵ xuống, tưởng Hòa giả bộ, Thuận đánh tiếp vào đầu cho đến khi Hòa chết. Bà Lan trông thấy cảnh ấy nên ngã bật ngửa đập đầu vào cạnh bếp, tắt thở. Ông Thiếp từ quê vào hỏi mẹ và em đâu, Thuận thú nhận đã lỡ tay giết và quỳ lạy, xin cha đừng tố giác, ông Thiếp nghe thế đập đầu vào cạnh giường, máu ra nhiều nên cũng chết ngay…

  • Kết quả khám nghiệm tử thi

Cả 3 người đều bị đánh vào vùng đầu nhiều nhát bằng ma trắc và côn nhị khúc đến lún, nứt, vỡ sọ. Tại hiện trường, công an tìm thấy 2 hung khí này với những vệt máu khô đen. Các nạn nhân bị vùi xuống hố ngay giữa nhà, lấp cát và tráng xi-măng, xác chảy nước, phân hủy, mùi hôi phủ trùm lên cả khu xóm…

  • Tội ác trời không dung

Trước khi xảy ra vụ án vài ngày, bà Lan xuất viện về trông nhà, còn ông Thiếp trở về quê để “chuyển hồ sơ bảo hiểm y tế cho bà Lan và chuyển sinh hoạt Đảng” - ông cho bạn bè biết. Vào một buổi tối, Thuận và Hòa lại tiếp tục cãi vã chuyện tiền bạc, máu nóng bốc lên cùng với bao nhiêu tỵ hiềm chất chứa, Thuận dùng thanh ma trắc bất ngờ đánh vào đầu Hòa từ phía sau. Bà Lan thấy thế bổ nhào vô ôm lấy Thuận, Thuận dùng côn nhị khúc vụt vào đầu bà, Hòa mất khả năng chống cự nên cả hai tiếp tục bị Thuận đánh cho đến chết trong cơn cuồng sát.

Ông Thiếp từ quê lên cũng bị Thuận xô vào trong, giết nốt nhằm bịt đầu mối. Thuận chất xác cả gia đình mình lên chiếc giường, lấy mùng mền đậy lại. Vài hôm, xác bốc mùi, Thuận thuê người đến đào chiếc hố…

  • Sự trừng phạt nghiêm minh

Tháng 9-2000, phiên sơ thẩm Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) tuyên Nguyễn Minh Thuận tội giết người: Tử hình. Đương sự làm đơn thú tội, xin Nhà nước khoan hồng, cho được sống để… thờ cúng cha mẹ (!). Tháng 2-2001, phiên phúc thẩm TANDTC tuyên Nguyễn Minh Thuận phạm tội giết người dã man, động cơ đê hèn, không còn nhân tính, tuyên y án sơ thẩm: Tử hình. 

  • Ngôi nhà… 0 người

Vắng chủ nhân, không người thừa kế, ngôi nhà hoang tàn với chiếc hố được khai quật, đào xới lở lói, cát đá vương vãi… tiếp tục gây kinh hãi cho bà con lối xóm rất lâu sau đó.
Một hôm, có người bà con đến lấp hố, quét vôi, sơn sửa, đổi số nhà. Tuy nhiên, nhà không có giấy chủ quyền nên không sang bán được, chỉ có người xa lạ đến thuê.

Ám ảnh vì những lời đồn đãi, lần lượt hết người này, kẻ nọ đến rồi đi. Hiện ngôi nhà vẫn tiếp tục hoang vắng, lại chìm nổi trong những câu chuyện buồn về cả một gia đình trong phút chốc chẳng còn ai.

SONG PHẠM

Thông tin liên quan:

Kỳ I: Giai thoại nhà chú Hỏa

Kỳ II: “Hồn ma” trong ngôi nhà cổ

Kỳ III: Đi tìm ngôi mộ chú Hỏa

Kỳ IV: Ngôi nhà của ngọn lửa oan nghiệt

Tin cùng chuyên mục