Ngôi đình kỳ bí
Đình làng Thạch Tân là một di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi để nhiều người trải nghiệm, cảm nhận những giá trị văn hóa tâm linh, sinh thái độc đáo của vùng cát trắng. Bề ngoài ngôi đình thờ thần Đại Càn quốc gia Nam Hải, thờ các chư vị tiền hiền và hàng trăm liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng... Nhưng bên trong ngôi đình còn biết bao kỳ tích và hơn 32km địa đạo, được gọi là địa đạo Kỳ Anh có miệng hầm ngay dưới nền ngôi đình.
Trong chiến tranh chống Mỹ, người dân địa phương đã đào 2 căn hầm bí mật để cứu thương và chứa lương thực, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Điều độc đáo là không ai có thể biết được vị trí miệng hầm ở đâu, bởi vì miệng hầm được phủ bằng đá ong. Từ đình, có thể đi lại khắp các ngõ ngách trong hệ thống địa đạo mà không sợ bị địch phát hiện, nếu có phát hiện cũng không dám xuống. Sau này chính quyền địa phương trùng tu, tôn tạo đã thiết kế miệng hầm rộng hơn để phục vụ du khách đến tham quan.
Ông Huỳnh Kinh Ta, Trưởng thôn Thạch Tân, cũng là người canh giữ ngôi đình hơn 30 năm và kiêm luôn việc hướng dẫn cho du khách tham quan, cho biết: “Điểm đặc biệt của ngôi đình không nằm ở vẻ bề ngoài của nó mà chính là những câu chuyện gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ mà những vết tích còn lại trên những cây cột chính là một minh chứng. Nhiều người khi tham quan ngôi đình luôn đặt câu hỏi về những vết hằn này. Tôi gọi đó là những vết thương linh thiêng”.
Theo tài liệu của Trung tâm VH-TT TP Tam Kỳ, tháng 7-1968, Mỹ xua quân càn quét vùng Đông Quảng Nam. Khi đưa quân đến Thạch Tân, Mỹ nghi ngờ người dân sử dụng ngôi đình làm nơi hoạt động cách mạng nên rắp tâm triệt hạ. Thời điểm đó, sau khi cho khoảng 6 đại đội bộ binh bố ráp quanh ngôi đình, Mỹ cho 2 xe bọc thép cảnh giới, 4 chiếc xe tăng còn lại nổ máy tông sập tường bao hòng làm sập đình. Thế nhưng ngôi đình vẫn đứng sừng sững. Sau một hồi bàn bạc, đám lính đã cho xe tăng lùi ra rồi dùng dây xích cỡ lớn buộc vào 2 cây cột ở gian giữa. Họ tiếp tục nổ máy, rồ ga để giật sập, nhưng kỳ lạ thay ngôi đình vẫn không chút xê dịch. Nhiều lần kéo giật ngôi đình không đổ, dây xích cứa vào thân cột để lại những “vết thương” rất sâu.
“Trước sự uy nghi của ngôi đình cũng như điều khó lý giải đã xảy ra, quân địch sợ hãi không dám phá đình. Nhìn vào những vết thương này khó ai có thể nghĩ ngôi đình còn đứng vững đến ngày hôm nay. Năm 2001, khi đình được trùng tu đã thay thế cây cột còn lại vì bị mảnh bom cắt đứt ngang. Chỉ có thể là điều linh thiêng gì đó mới có thể giữ được đình”, ông Huỳnh Kinh Ta nói.
Điểm du lịch lý tưởng
Thời gian trôi đi, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, sau bao trận mưa bom, bão đạn, đình Thạch Tân vẫn đứng vững cùng năm tháng. Ít có ngôi làng nào ở Quảng Nam còn giữ được cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử… và sự hồn hậu, chân chất của người dân làng Thạch Tân, nơi có địa đạo Kỳ Anh. Con đường vào làng uốn lượn hai bên là bờ tre phủ xanh mát vắng vẻ, thi thoảng chúng tôi bắt gặp vài người dân qua lại trong làng với những nụ cười thân thiện, chào hỏi, cười nói rôm rả. Ông Huỳnh Kinh Ta cho biết, năm nay có khoảng hơn 10.000 lượt khách đến tham quan làng Thạch Tân cũng như địa đạo Kỳ Anh. Ngoài đình làng, địa đạo, nơi đây còn tồn tại làng nghề truyền thống dệt chiếu cói. Trong số hơn 260 hộ dân của làng, gần 100 hộ vẫn còn theo nghề dệt chiếu, chủ yếu là người lớn tuổi vì lớp trẻ ít mặn mà với công việc này. Họ làm để níu giữ nghề trong lúc nông nhàn cùng những hy vọng về một ngày làng nghề hồi sinh phục vụ du lịch. Năm nay bà con sáng tạo ra sản phẩm mới là mũ và giỏ đựng ly bằng cói, được khách du lịch, đặc biệt khách nước ngoài rất ưa thích. Điều này cũng tạo điều kiện sinh kế cho người dân địa phương nên ai nấy cũng phấn khởi.
Mặc dù thuộc thế hệ “sinh sau đẻ muộn” nhưng ông Huỳnh Kinh Ta cũng là người từng chứng kiến biết bao đau thương mất mát mà người dân nơi đây phải gánh chịu. Nhất là khi nhìn thấy người cha của mình cùng một số cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch sát hại ở địa đạo trong một trận đánh không cân sức giữa ta và địch diễn ra vào cuối năm 1965… Chính vì thế nên qua những lời kể đậm chất nông dân cũng như đầy cảm xúc của ông đã thấm vào tâm trí biết bao thế hệ người dân và du khách. Ngoài địa đạo, trong làng còn có cây rõi 300 năm tuổi và một số di tích cách mạng như: Bãi Sậy sông Đầm, giếng ông Kỳ (Vĩnh Bình), nơi có 3 ngách thông ra 3 hướng làm chỗ hoạt động, thoát thân cho cán bộ, du kích địa phương trong chiến tranh…
“Từ ngày làng trở thành địa danh du lịch, bà con trong làng ai cũng vui và rất tự hào về làng mình. Giữ làng, giữ truyền thống dân tộc nhưng còn đó biết bao nỗi lo từ chuyện từ vệ sinh, môi trường, cảnh quan đến nếp sống, văn hóa người dân… ”, ông Huỳnh Kinh Ta lo lắng.
Hàng năm, cứ vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng ba âm lịch, bà con nội ngoại của làng tập họp về đây để dâng lễ tế đình và tưởng nhớ tiền nhân cũng là dịp để cho thế hệ trẻ hiểu về tinh thần yêu nước, cần cù lao động sáng tạo và hiếu học. Mùa mưa cuối năm vừa qua, đình bị ngập hơn 1m nước, riêng địa đạo nằm dưới lòng đất nên nước còn rất nhiều. Dự kiến qua tết âm lịch, địa phương sẽ dùng bơm để bơm nước và tu sửa lại để phục vụ khách tham quan.