Sir Alex - những bước đầu gian khổ

Kỳ 1: Thoát khỏi “giá treo cổ”

Ông được phong tước Hiệp sĩ sau khi dẫn dắt M.U đoạt “cú ăn ba” lịch sử năm 1999. Ông là HLV thành công nhất trong lịch sử Premier League với 9 lần vô địch (nên nhớ: giải bóng đá Anh mới chuyển mình thành Premier League được 15 năm, kể từ mùa bóng 1992-1993).

Alex Ferguson lúc mới làm HLV Manchester United, 20 năm trước.

Alex Ferguson lúc mới làm HLV Manchester United, 20 năm trước.

Tổng cộng, ông có gần 40 danh hiệu vô địch ở các đấu trường VĐQG, Cúp FA, Cúp Liên đoàn, Siêu Cúp (Anh), VĐQG, Cúp FA, Cúp Liên đoàn, Siêu Cúp (Scotland), Champions League, Cúp C2 châu Âu, Siêu Cúp châu Âu, Cúp Liên lục địa. Tuy Ferguson là HLV lớn tuổi nhất Premier League (66 tuổi), nhưng số danh hiệu của Ferguson vẫn nhiều hơn số mùa bóng mà ông cầm quân, tính từ lúc khởi nghiệp năm 1974. Tóm lại, ai cũng biết Ferguson vĩ đại như thế nào. Đấy là lý do vì sao chúng tôi không nói nhiều về những tháng ngày thành công của ông. Loạt bài sau đây chỉ nói về những… thất bại của Ngài Ferguson, nhất là những bước “khởi đầu nan”, để cung cấp thêm vài thông tin thú vị cho những ai quan tâm đến sự nghiệp lừng lẫy của Ferguson.

Ngày 6-11-1986, Ferguson chính thức trở thành HLV trưởng Manchester United. Đấy là thời điểm hơi muộn để bất cứ HLV nào nhắm đến một kết quả tốt vào cuối mùa, nhưng cũng không đến nỗi quá muộn để người ta buông xuôi tất cả. M.U của Ferguson vẫn phải chiến đấu trong hoàn cảnh thay tướng giữa dòng, và kết thúc mùa bóng ở vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng. Quá tệ? Không hẳn thế, Ferguson tính rằng, đấy là mùa bóng thành công vì M.U đã không... rớt hạng. Ông cần thêm thời gian để xây dựng một M.U mạnh mẽ, tìm lại quá khứ vinh quang như thời đoạt Cúp C1 năm 1968.

Nhưng thời gian trôi đi nhanh chóng mà cái quá khứ hào hùng được giới hâm mộ Old Trafford chờ đợi vẫn không xuất hiện. Tệ hơn, chẳng có tín hiệu lạc quan nào khả dĩ để giới quan sát dự đoán rằng vinh quang sẽ xuất hiện. Ba trong bốn mùa đầu tiên cầm quân, Ferguson chỉ đưa M.U đến các vị trí số 11, 11, 13 trong bảng tổng sắp. Ở thời buổi này, chắc chắn không có đội bóng lớn nào kiên nhẫn với nhà cầm quân có bảng thành tích như thế.

Thành tích kém cỏi của M.U không chỉ làm cho giới hâm mộ M.U bực bội. Họ còn cảm thấy chạnh lòng khi nhìn sang thế lực lớn Liverpool, thèm khát khi thấy một Arsenal tràn đầy nét mới đang nhanh chóng vươn lên, và xấu hổ khi thấy M.U thua đội láng giềng Manchester City 1-5. Tờ Manchester Evening News tổ chức trưng cầu ý kiến xem M.U có nên tiếp tục tin vào khả năng của Ferguson hay không. Kết quả: 83% số người tham gia cho rằng phải sa thải Ferguson tức thì. Trên sân, người ta trương các khẩu hiệu như “Đừng xin lỗi nữa”, “3 năm là quá đủ”, “Giá treo cổ đâu?”.

Dù đã tin tưởng tuyệt đối vào năng lực của Ferguson, Chủ tịch (khi ấy) Martin Edwards cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước cái giận sôi gan của giới hâm mộ cũng như trước những thất vọng rành rành về mặt thành tích của M.U. Sau một lần các cổ động viên phản ứng dữ dội trên sân Old Trafford, Edwards tuyên bố: “Thay HLV giữa giải là điều không hay. Ferguson sẽ ra đi vào cuối mùa, nếu không thành công”. Tuyên bố ấy được xem như lời tuyên án, bởi M.U còn có chút hy vọng nào khi họ đang đứng ở nửa dưới của bảng xếp hạng?

Vậy mà đến cuối mùa bóng 1989 - 1990 ấy (mùa thứ 4 Ferguson cầm quân ở M.U), ông bỗng thoát nạn. “Bây giờ, tôi đã tin vào phép lạ” - chính Ferguson thốt lên câu cảm ơn Chúa khi M.U đoạt Cúp FA, danh hiệu đầu tiên của ông ở Old Trafford. Ngay rào cản đầu tiên ở giải này, M.U đã gặp khó khăn lớn từ phía Nottingham Forest. Mark Robins ghi bàn duy nhất để cứu cả M.U lẫn Ferguson. Lá thăm trớ trêu khiến M.U luôn phải thi đấu trên sân đối phương ở những vòng đấu tiếp theo. Nhưng rồi họ cũng vượt qua Hereford, Newcastle, Sheffield United và Oldham trước khi gặp Crystal Palace ở trận chung kết. Sau khi hòa 3-3, Lee Martin ghi bàn duy nhất trong trận tái đấu tại sân Wembley, đem cúp về Old Trafford. Từ đáy lòng, Edwards chưa bao giờ muốn sa thải Ferguson nên ông Chủ tịch CLB mượn ngay cớ ấy (đoạt Cúp FA) để kêu gọi giới hâm mộ kiên nhẫn. Edwards khẳng định: “Rồi đây, M.U chắc chắn sẽ trở lại ngôi vô địch”.

Vấn đề là khi nào, và vô địch dưới tay HLV nào. Một mùa bóng nữa tiếp tục trôi qua, với ngôi vô địch tiếp tục chế diễu khán giả Old Trafford. Nhưng Ferguson vẫn không bị đuổi vì ông lại có một thành tích khác để ẩn nấp: đoạt Cúp C2 châu Âu. Mark Hughes ghi cả 2 bàn cho M.U, vào lưới đội bóng cũ Barcelona trong trận chung kết. Thành tích này cứu được Ferguson ra khỏi “giá treo cổ” vì đấy là chiếc Cúp châu Âu đầu tiên mà bóng đá Anh có được sau 5 năm bị cấm cửa ở đấu trường 3 cúp.

Giả sử không có chiếc Cúp FA năm 1990, Ferguson chắc chắn đã là “cựu HLV” của M.U khi mùa bóng ấy khép lại, và nếu điều đó xảy ra thì trên nguyên tắc, ông gần như không có cơ hội ngóc đầu lên ở bất cứ đội bóng nào khác. Đó là vì bóng đá Anh có một đặc điểm lớn, luôn được giới cầm quân lưu ý: các đội bóng Anh thường rất kiên nhẫn với HLV (hiếm khi sa thải chỉ sau 1 năm thất bại, như bóng đá Đức hoặc Ý). Nhưng khi đã bị sa thải thì HLV ở Anh có rất ít cơ hội hành nghề trở lại, ngay cả ở những đội khác. Ferguson sau này nhớ lại và thừa nhận: “Toàn bộ sự nghiệp của tôi đã bị đặt vào thế chỉ mành treo chuông ở mùa bóng 1989-1990 ấy”.
(còn tiếp)

TRI KỶ

Tin cùng chuyên mục