![Kỳ 1: Ngày đầu ở Hy Lạp](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/osgmky/images9836_Otto Rehhagel.jpg.webp)
![Kỳ 1: Ngày đầu ở Hy Lạp ảnh 1 Kỳ 1: Ngày đầu ở Hy Lạp ảnh 1](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/osgmky/images9836_Otto Rehhagel.jpg.webp)
Otto Rehhagel
Người ta nói nhiều về Otto Rehhagel trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở bất cứ nơi đâu mà bóng đá là đầu đề của mọi cuộc bàn luận. Nói một cách khác: cái tên Otto đã lấn át mọi ngôi sao bóng đá lừng danh nhất thế giới hiện nay.
Ông là một ngôi sao, nhưng không phải ngoài sân cỏ, mà trên hàng ghế chỉ đạo. Người ta nói nhiều, biết nhiều về Otto, nhưng cũng còn nhiều chuyện chưa từng đề cập đến, mà SGGP gọi đó là “Bí mật Otto”. Mời bạn đọc cùng theo dõi.
- Cay đắng ...
“Huấn luyện viên là một nghề bạc bẽo” – Otto Rehhagel từng nói như thế khi xách va li rời Bayern Munich, nơi mà cách đó không lâu, người ta còn mở rộng cửa đón ông đến. Tính ông hay bênh vực cầu thủ của mình, nên dù bị báo chí “cạy răng”, ông cũng không hé nửa lời trách móc bất cứ ai. Thế nhưng, cuối cùng báo chí cũng có cách moi được thông tin từ ... những nhân viên quét dọn.
Họ tiết lộ nhiều điều không hay của các cầu thủ vốn tự cho mình là ngôi sao, ít chịu nghe lời “ông giáo già” nghiêm khắc. Bayern Munich là một thế giới riêng, mà các ngôi sao được kính trọng ... trên mức đặc biệt. Otto không thích thế. Ông tìm cách phá bỏ để thiết lập lại trật tự, và rồi ông thua cuộc, buộc phải ra đi.
Ra đi trong cay đắng. Nên giờ đây, báo chí (lại cũng báo chí), rồi quan chức liên đoàn bóng đá, người hâm mộ có kêu gào, mời gọi ông trở về “cứu nước” cũng khó. Cầu thủ Đức không giống như cầu thủ Hy Lạp, vì họ không có khát vọng, không chịu từ bỏ “ảo tưởng” mình là “kẻ bề trên” và chịu vươn lên từ đáy sâu vực thẳm bóng đá.
- Vượt qua thử thách
Otto Rehhalgel đã trở thành “Vị thánh sống”, “Công dân danh dự”... và nhiều danh hiệu cao quí khác mà người Hy Lạp tặng cho, sau khi đưa đội bóng tí hon lên đỉnh cao nhất của làng bóng châu Âu. Một con đường rất dài bắt đầu từ trận đầu tiên của Hy Lạp dưới “triều đại” Otto hồi năm 2001, khi ông đánh tan mọi ngờ vực của những kẻ chống đối bằng “cơn cuồng phong” đánh bại Phần Lan 5-1.
Rồi ánh bình minh bắt đầu ló dạng trên bầu trời, khi họ tiếp tục hòa tuyển Anh 2-2 tại Manchester trong thế trận luôn dẫn trước, buộc David Beckham phải gỡ hòa vào cuối trận bằng cú sút phạt siêu đẳng. Trong thời gian ngắn, Otto tiếp tục xây dựng một đội ngũ đoàn kết xung quanh mình và dẫn dắt họ chiếm ngôi đầu bảng 6 lọt vào vòng chung kết.
- Otto: “Tôi được tự do”
Trong lần trò chuyện mới đây, Otto Rehhagel tâm sự: “Khi Liên đoàn Bóng đá Hy Lạp thuê tôi, họ cho tôi được tự do muốn làm gì thì làm, miễn là tôi làm tốt công việc và xây dựng đội tuyển mạnh. Chúng tôi viễn du khắp châu Âu để lựa chọn điểm tập huấn cho đội, xem các CLB Hy Lạp thi đấu ở Champions League và tìm những cầu thủ tốt nhất cho những vị trí tốt nhất”.
Người đàn ông từng đưa SV Werder Bremen đến 2 chức vô địch Bundesliga, cúp C2 châu Âu và 1 chức vô địch quốc gia nữa với Kaiserslautern, nhưng các danh hiệu đó vẫn không ngăn được lời chỉ trích từ dư luận khi Hy Lạp thua liền 2 trận trước Tây Ban Nha trên sân nhà và Ukraine tại Kiev. Sau trận đấu, ông nói với các học trò: “Các anh sẽ phải làm ngơ trước mọi lời chỉ trích”. Otto dạy họ biết cách giữ bình tĩnh, lạnh lùng như người Đức và họ đã thành công.
Kỳ sau: HỌC ĐÁ BÓNG