Kon Tum: Trồng cây, xây chòi trái phép trong phạm vi đường bộ để chờ đền bù

Hàng chục hộ dân đổ xô trồng cây, dựng công trình trái phép trên đất phạm vi công trình đã được phóng tuyến, cắm mốc nhằm hưởng đền bù. Chủ đầu tư phát hiện, thuyết phục dân tự nguyện tháo dỡ.

a904142271a3c8fd91b2.jpg
Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã kiểm tra diện tích trồng thanh long trái phép của dân trong vùng dự án. Ảnh: HỮU PHÚC
Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã nói về việc vận động người dân nhổ bỏ, tháo dỡ công trình trái phép

Ngày 17-10, ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, đã vận động, thuyết phục thành công 31 hộ dân tự nguyện tháo dỡ cây trồng, công trình xây trái phép chờ đền bù trên phạm vi tuyến đường từ trung tâm thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp, huyện Đăk Glei (huyện Đăk Glei).

Tuyến đường nói trên có tổng mức đầu tư hơn 263 tỷ đồng. Hiện dự án đang làm thủ tục định giá đất để áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tại dự án trên, vào khoảng cuối tháng 2-2024, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan đã thông tin dự án để địa phương và người dân biết; tổ chức phóng tuyến, cắm mốc ranh giới đường, làm cơ sở thống kê đền bù. Sau thời điểm đoàn đi phóng tuyến cắm mốc khoảng 2 ngày, chủ đầu tư phát hiện hàng chục hộ dân của thôn Đăk Ven và 14A (cùng thuộc xã Đăk Pék) tự ý đến trồng cây, dựng lán trong phạm vi dự án.

4170c514a3951acb4384.jpg
Trụ gỗ dùng trồng thanh long trái phép đã được người dân nhổ bỏ. Ảnh: HỮU PHÚC

Ông Nguyễn Văn Hiềng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei (chủ đầu tư) cho biết, người dân trồng trong 2 đêm 3 ngày với nhiều loại cây khác nhau. Đơn vị đã phát hiện kịp thời, tổ chức ghi hình làm bằng chứng, yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động trồng cây trái phép.

Theo ông Phạm Khắc Nghĩa, qua thống kê, xác định 32 hộ trồng trái phép 5.640 cây cà phê, sầu riêng, nhãn, chuối, thanh long; xây dựng rào kẽm gai, nhà chòi lợp tôn với diện tích khoảng 1.088m2. Ước tính tổng giá trị nếu phải đền bù đối với số cây trồng, hạng mục xây dựng trái phép trên là gần 1 tỷ đồng.

“Địa phương và chủ đầu tư đã xuống từng nhà dân để giải thích việc Nhà nước đầu tư tuyến đường nhằm phục vụ cho chính người dân, giúp bà con thuận lợi sản xuất, giao thương, nâng cao đời sống; phân tích việc trồng cây, xây dựng trái phép là sai và không được đền bù, qua đó đề nghị tháo gỡ. Ròng rã nhiều tháng thuyết phục, 31/32 hộ đã tự nguyện tháo dỡ cây trồng, công trình trái phép trong vùng dự án. Một hộ còn lại ở thôn 14A, xây dựng trái phép khoảng 56m² chòi, địa phương vẫn đang tiếp tục tuyên truyền”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hiềng, việc phát hiện, ghi hình, ngăn chặn, vận động người dân tự động tháo dỡ công trình vi phạm trên đất dự án đã giúp tiết kiệm ngân sách đền bù. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm triển khai đầu tư, đưa công trình vào hoạt động nhằm phát huy hiệu quả dự án như kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục