Phiên chợ sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 24 đến 26-4) tại Quảng trường trung tâm huyện Tu Mơ Rông. Lễ khai mạc diễn ra vào 17 giờ ngày 24-4.
Phiên chợ gồm 5 hoạt động, gồm phiên chợ sâm Ngọc Linh; diễn đàn sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch; hoạt động du lịch Famtrip Caravan khoảng 400 khách; hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao như Giải bóng đá cúp K5 huyện Tu Mơ Rông; Liên hoan ẩm thực huyện Tu Mơ Rông lần thứ nhất và Liên hoan Cồng chiêng; hoạt động ngày hội định hướng nghề nghiệp và việc làm.
Trong đó, phiên chợ sâm Ngọc Linh, sản phẩm đặc hữu có 44 gian hàng chủ yếu là sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu, sản phẩm đặc hữu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt vấn đề về việc làm sao có thể quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh tham gia phiên chợ, tránh vấn đề tuồn hàng kém chất lượng vào phiên chợ để trục lợi. Vấn đề này ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho rằng, huyện rất quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng sâm Ngọc Linh tham gia phiên chợ.
Đối với các sản phẩm sâm củ, trong thông báo yêu cầu tham gia phiên chợ, huyện giao các đơn vị yêu cầu các doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia phải có xác nhận của thôn, xã nơi trồng sâm để xác định vùng trồng sâm. Bên cạnh đó, huyện đã thành lập tổ thẩm định sâm bao gồm cán bộ, người dân có kinh nghiệm trồng sâm để nhìn, thẩm định. Nếu tổ thẩm định nghi ngờ chất lượng sâm củ thì huyện sẽ niêm phong, gửi sản phẩm nghi ngờ này để giám định, xác định gen và doanh nghiệp sẽ chịu chi phí. Còn đối với 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, huyện xúc tiến để sớm cấp tem kiểm định chất lượng cho các doanh nghiệp này tham gia phiên chợ.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, đến nay, Công ty Cổ phần đầu tư sâm Việt Nam và Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh (địa chỉ Hà Nội) không liên hệ với huyện để đăng ký tham gia gian hàng. Được biết, 2 công ty nói trên từng tự công bố sở hữu vườn sâm lớn hoặc có trồng sâm trên địa bàn Kon Tum nhưng cơ quan chức năng kiểm tra thì xác định không có.