Kon Tum: Mảnh đất khởi nghiệp của người trẻ

Xác định Kon Tum có tiềm năng, người trẻ khắp nơi chọn mảnh đất này để khởi nghiệp. Họ làm du lịch, thiết kế tour, liên kết với người dân sản xuất nông sản, dược liệu, cùng người dân đồng bào làm giàu ở mảnh đất Kon Tum.

ghhhh.jpeg
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp, dược liệu của HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông do anh Hà Văn Phương làm giám đốc

Cùng dân làm giàu

Anh Nguyễn Hoàng Lân (quê Đồng Nai) từng học chuyên ngành sinh học tại TPHCM. Sau đó, anh lên Đà Lạt kinh doanh, thời gian kéo dài 5 năm. Năm 2020, nhận thấy khó có cơ hội làm ăn, anh quyết định rời Đà Lạt vào xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum lập nghiệp. Tại xã Đăk Hà, anh triển khai mô hình trồng rau, dâu tây, sau đó “lấn sân” chuyển sang trồng dứa xuất khẩu và táo. Để thuận lợi cho việc liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu, anh thành lập và giữ chức Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Đăk Pxi. Hiện anh đang liên kết trồng 15ha dứa với người dân và tự trồng 5 ha táo. Lợi nhuận mang lại cho người dân tham gia liên kết trồng dứa trên 1ha của 1 vụ (18 tháng) là khoảng 250 triệu đồng.

Nói về việc chọn xã Đăk Hà để khởi nghiệp, anh Lân cho biết: “Đăk Hà có quỹ đất rộng, đất rẻ, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất quy mô lớn. Quá trình phát triển mở rộng diện tích, địa phương đã tham gia hỗ trợ xây dựng liên kết với người dân nên giúp HTX nhanh chóng mở rộng sản xuất. Việc đầu tư dứa đã mang lại hiệu quả to lớn, đầu ra xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông ổn định. Định hướng sắp tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích liên kết trồng dứa xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành trồng rau ôn đới.

Ông Trần Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà cho biết, mô hình trồng dứa xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã hưởng lợi lớn nhờ liên kết trồng dứa với HTX. Thời gian tới, Đảng ủy xã Đăk Hà sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND xã hỗ trợ HTX liên kết với người dân đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất trồng dứa để nâng cao giá trị trên thửa đất cho bà con. Bên cạnh đó, xã Đăk Hà luôn mong muốn, chào đón nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, khởi nghiệp. Địa phương sẽ luôn đồng hành, tạo mọi cơ chế tốt nhất để các tổ chức, cá nhân lập nghiệp, làm giàu trên vùng đất xã Đăk Hà.

fhfgnhghn.jpeg
Ông Trần Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà giúp HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đăk Pxi thu hoạch dứa phục vụ xuất khẩu

Hợp tác xã (HTX) Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) được thành lập vào năm 2021, do anh Hà Văn Phương (quê Ninh Bình) làm giám đốc. Hiện HTX đang liên kết với 43 hộ dân xã Đăk Na trồng 20ha nghệ, gừng, sả để chế biến xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tham gia liên kết với HTX, đồng bào Xơ Đăng xã Đăk Na vừa có nguồn thu từ tiền bán dược liệu, vừa tham gia làm công nhân. Trong các năm 2022 và 2023, HTX đã thu mua 36 tấn nghệ, gừng, chanh, bưởi của bà con đồng bào để chế biến sâu, phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. Từ năm 2021 đến nay, HTX đã trả khoảng 700 triệu đồng tiền công lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Định hướng sắp tới, HTX sẽ tiến hành mở rộng diện tích liên kết với dân khoảng 100ha; xúc tiến để đối tác đặt nhà máy chế biến tại Kon Tum nhằm thuận tiện cho việc sản xuất.

Nói về việc chọn Kon Tum làm nơi để đầu tư, làm giàu, ông Hà Văn Phương cho biết, Tu Mơ Rông được biết đến là vùng trồng dược liệu của Kon Tum và địa phương đang đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư. Năm 2020, ông đến xã Đăk Na khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư dược liệu. Qua khảo sát, ông thấy đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển dược liệu. Sau đó, ông làm việc với lãnh đạo xã, huyện để trình bày ý tưởng sẽ triển khai dự án trồng nghệ, gừng, sả để xuất khẩu. Tuy nhiên, điều khiến anh băn khoăn là kiếm đâu quỹ đất rộng để phát triển. Khó khăn này được chính quyền tháo gỡ bằng việc cam kết hỗ trợ xây dựng mối liên kết với người dân.

ghghfghh.jpeg
Lãnh đạo Đảng ủy xã Đăk Hà kiểm tra tiến độ thu hoạch dứa của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đăk Pxi

“Qua làm việc, nhận thấy chính quyền nơi đây có chính sách cởi mở, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư làm ăn, phát triển dự án. Rất nhanh, sau khoảng 4 tháng lên địa bàn tìm hiểu cơ hội đầu tư, địa phương đã xây dựng được mô hình liên kết với người dân và HTX, giúp chúng tôi có mặt bằng để triển khai dự án. Đến nay, HTX đã liên kết với 43 hộ với diện tích 20ha. Sản phẩm sau khi thu hoạch được đưa đi chế biến trước khi xuất khẩu, giúp người dân được hưởng lợi”, ông Phương cho biết thêm.

Giúp nhà đầu tư trẻ làm giàu

Trả lời Báo SGGP, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, địa phương có tiềm năng to lớn để phát triển nông, lâm nghiệp, dược liệu, du lịch. Đó là quỹ đất rộng, tỷ lệ che phủ rừng cao, nhiều con thác tuyệt đẹp, nhất là thác Siu Puông, là cơ sở để xây dựng hoạt động du lịch trải nghiệm. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ khắp cả nước đến Tu Mơ Rông lập nghiệp. Ngoài anh Hà Văn Phương (thuộc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông), anh Nguyễn Hoàng Lân (HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đăk Pxi), trên địa bàn, còn nhiều người trẻ tiêu biểu khác có nhiều sự nỗ lực trong phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để vươn lên phát triển kinh tế. Đây là những người trẻ năng động, có tư duy. Họ tập trung phát triển nông sản, dược liệu, du lịch, mang lại thu nhập rất cao, có người thu nhập tiền tỷ.

“Để giúp người trẻ khởi nghiệp, thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách để khuyến khích, cổ vũ những gương mặt trẻ phát triển, phát huy sở trường trong việc kinh doanh. Thường xuyên tổ chức tham quan, đối thoại để tìm hướng tháo gỡ các vướng mắc; hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết với người dân để cùng người dân làm kinh tế, làm giàu. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ thanh niên, HTX khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn", ông Mạnh nói.

fghghhnnn.jpeg
Đảng ủy, UBND xã Đăk Hà đối thoại, gỡ khó doanh nghiệp, HTX

Ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch Hội du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho biết, từ sau dịch Covid-19, rất đông người trẻ đến Măng Đen khởi nghiệp bằng kinh doanh du lịch. Đây là các bạn trẻ yêu thiên nhiên, yêu rừng, yêu cây cỏ. Các bạn này có tư duy, biết làm truyền thông và có quyết tâm, khát khao, sáng tạo trong làm du lịch. Các bạn trẻ có trình độ, nói tiếng anh rất giỏi.

rbvfcb.jpeg
Măng Đen là mảnh đất được nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp kinh doanh du lịch

Những bạn trẻ này kinh doanh homestay, mở quán cà phê, thiết kế các tour du lịch, đưa khách đi tham quan địa phương, giới thiệu đặc sản vùng miền. Họ còn hướng dẫn người dân đồng bào ở các làng cùng làm du lịch, để cùng hưởng lợi. Hình ảnh Măng Đen được lan tỏa một phần nhờ những bạn trẻ này.

Tin cùng chuyên mục