Ngày 24-8, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị vừa ban hành kế hoạch ứng phó với thảm họa động đất.
Từ năm 1903 đến năm 2020, tỉnh ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên; giai đoạn từ tháng 4-2021 đến ngày 15-8-2022, huyện Kon Plông và vùng lân cận xảy ra hơn 300 trận động đất.
Dự báo thời gian tới, trên địa bàn tỉnh, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, có nguy cơ gây rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện, khả năng ngập nước vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng tài sản của nhân dân và nhà nước.
Khu dân cư ảnh hưởng của động đất nằm ở xã Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút (huyện Kon Plông) với số hộ dân phải sơ tán là khoảng 900 hộ/1.512 khẩu.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, để tránh, giảm thương tích và thiệt hại do động đất gây ra, khi xảy ra động đất, người dân nếu đang ở nhà thì có thể chui xuống gầm bàn, lựa góc phòng để đứng, tránh cửa kính, những vật có thể rơi xuống. Khi ở nhà cao tầng, người dân tuyệt đối không được dùng thang máy, nếu đang ở thang máy thì nằm xuống sàn và bảo vệ đầu.
Nếu đang đi trên đường, người dân cần tránh xa các tòa nhà và dây điện, tìm chỗ trống để đứng; khi bị kẹt trong đống đổ nát, cần dùng vật cứng gõ vào vật cứng khác để báo vị trí của mình cho lực lượng cứu nạn. Sau trận động đất, cần kiểm tra người bị thương, sơ cứu và gọi cứu hộ, không chạm vào dây điện bị đứt, tránh xa các bức tường…
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, diễn tập, nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó thảm họa động đất; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền nhu cầu đầu tư mua sắm trang thiết bị để từng bước nâng cao năng lực ứng phó cho lực lượng tham gia ứng phó thảm họa động đất…
Trước đó, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, động đất khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.