Từ phản ánh, chúng tôi trong vai người đi rừng đã vào cuộc điều tra. Bắt đầu từ UBND xã Đắk Long, chúng tôi đến thôn Đắk Tu và di chuyển qua cầu treo Đắk Long bắc qua sông Đắk Long. Từ đây tiếp tục men theo những rẫy mì cạnh chân núi khoảng 5km thì đụng một dãy núi lớn chắn ngang. Tiếp tục vượt qua dãy núi cao này đã thấy được cửa rừng.
Men theo cửa rừng đi vào, cảnh tượng rừng bị tàn phá bắt đầu lộ ra. Mới đi 200m, đã bắt gặp nhiều cây gỗ lớn có đường kính khoảng 1m bị cưa hạ, lâm tặc cắt thành khúc rồi chở đi. Đi tiếp thêm đoạn nữa thì tiếp tục gặp cả chục cây gỗ quý hiếm bị “mần thịt”, có cây dấu vết còn mới toanh, chứng tỏ lâm tặc vừa mới “ăn hàng”.
Tiếp tục đi dọc theo con suối Đắk Dao, phát hiện gỗ đốn hạ càng nhiều hơn. Có nhiều cây gỗ to bằng 2 người ôm bị cưa hạ xong rồi để đó xí phần. Đi sâu vào trong, nhiều cây đinh hương quý hiếm bị cưa hạ chỉ còn trơ gốc.
Tại khu vực suối, nhiều lóng gỗ lâm tặc đã cưa thành khúc nhưng còn “gửi lại”. Theo người dẫn đường, khu vực rừng bị phá có nhiều đồi dốc. Khi khai thác gỗ xong, lâm tặc sẽ đẩy gỗ xuống suối rồi dùng tời kéo đi. Thiết bị định vị ghi nhận rừng bị phá thuộc địa bàn xã Đắk Long.
Sau 3 tiếng lội rừng, khi tiếng xe máy độ chế gầm vang, biết lâm tặc đang vào “ăn hàng” chúng tôi buộc phải rút lui để đảm bảo an toàn. Ước tính có khoảng trăm cây gỗ bị đốn hạ.
Tại khu vực xã Đắk Long có đồn biên phòng 673 đóng chân. Rừng bị phá có cả mới và cũ. Chứng tỏ gỗ quý bị lâm tặc khai thác thời gian dài. Trong khi đó, lâm tặc muốn khai thác gỗ thì phải huy động người, cưa máy, phương tiện rầm rộ vào khai thác. Và khi cưa gỗ, tiếng cưa máy sẽ vang rền cả khu rừng.Vấn đề là biên phòng, kiểm lâm ở đâu khi rừng bị phá?
Chúng tôi đã trình báo vụ việc phá rừng cho cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum.
Dưới đây là chùm ảnh chúng tôi ghi nhận được: