Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT vừa công bố bức tranh điểm thi theo khối A, A1, B và tiếp tục phát hiện những bất thường.
“Khi ngồi vẽ lại điểm của các khối chính ở các địa phương thì Sơn La có xuất hiện nhưng mờ nhạt. Trong khi đó, Hà Giang xuất hiện rất rõ ràng”, ông Tùng nói.
Chỉ bằng công cụ đơn giản Excel và chỉ lấy 3 ngưỡng điểm 24, 25.5, 27 cho 3 môn thi của 3 khối thi A, A1, B, TS Lê Trường Tùng đã đặt nghi vấn với một số địa phương.
Khi kiểm tra khối A thì xuất hiện ngay Hà Giang nổi trội lên ở tất cả các phổ điểm, điều này đã có xác thực là phát hiện gian lận lớn mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
“Khi kiểm tra khối B thì lộ ra Điện Biên và Kon Tum, tôi đặt nghi vấn về điều này. Khối C thì tôi không thống kê do có môn Văn tự luận là rất khó đánh giá, vì liên quan đến cảm tính của người chấm. Qua thống kê của tôi, có một số tỉnh khác xuất hiện nhưng mờ nhạt hơn, đơn cử như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình...”, ông Tùng cho hay.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Trường Tùng cho rằng, từ điểm thi của khối bất thường thì sẽ dẫn đến điểm thi môn bất thường, vì thế chỉ cần vẽ điểm khối thì đã thấy bất thường rồi.
Cụ thể, khi vẽ dữ liệu điểm thi thì đã thấy Hà Giang nổi trội lên, điều này đã được kiểm chứng.
“Nếu tôi vẽ ra mà không thấy Hà Giang đâu thì là chuyện khác. Nhưng vẽ cả 63 tỉnh thành ra thì thấy rất rõ”, ông Lê Trường Tùng cho hay.
Ở khối B, Điện Biên và Kon Tum xuất hiện “lừng lẫy”. Thí sinh điểm cao bắt đầu từ tổng 24 điểm trở lên thì cả Điện Biên, Kon Tum đều nằm trong top. Điểm 25, 26, 27 thì cả 2 tỉnh này đều nằm trong top.
“2 địa phương ở vùng sâu vùng xa mà lại có điểm khối B cao hơn hẳn những địa phương có truyền thống học tốt như TPHCM, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An.. thì không thể yên tâm đó là chất lượng thực sự được. Đề thi năm nay được cho là khó, điểm cao không nhiều, khi điểm thi được nâng cao dần thì các địa phương có truyền thống học tốt cứ biến mất dần và cuối cùng lộ ra mấy địa phương vốn được cho là nằm ở cuối bảng. Vì thế đó hoàn toàn có thể là nghi vấn”, ông Tùng nhấn mạnh.
“Như vậy, phân tích sâu hơn, phân tích điểm thi cho từng môn, phân tích các khối thi khác theo cách trên sẽ có thể rút ra thêm các minh chứng thống kê khẳng định các nghi vấn trên. Có thể thấy rằng: Hà Giang: nổi trội trong cả 3 khối A, A1, B (đã được Bộ GD-ĐT kiểm tra và kết luận đúng là có sai phạm). Sơn La xuất hiện trong khối B, khối A1, đang được Bộ kiểm tra. Hòa Bình xuất hiện trong khối A, A1 - đã bắt đầu được báo chí nhắc đến. Lai Châu xuất hiện trong khối A1 và khối B - cần xem xét. Kon Tum, Điện Biên thấp thoáng trong khối A và thực sự nổi bật trong khối B và cần nghiêm túc xem xét”, ông Lê Trường Tùng đặt vấn đề.
Vẫn theo ông Tùng, qua phân tích không thấy dấu hiệu nổi bật tại Lào Cai, Bạc Liêu như báo chí đã phản ánh, cho nên ở đấy nếu có tiêu cực chắc chỉ là diện hẹp.
“Sửa điểm thi là để phục vụ mục tiêu vào đại học, nên nhìn vào điểm thi của khối là có thể thấy bất thường hay không”, ông Tùng chốt lại.
Sáng nay 20-7, tổ công tác của Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục rà soát việc chấm thi ở Sở GD-ĐT Sơn La.
Đêm 19-7, tổ công tác làm việc rất muộn, quá nửa đêm, hôm nay tiếp tục rà soát để có kết quả sớm nhất công bố cho dư luận về nghi vấn điểm thi bất thường tại địa phương này.
Chia sẻ về nghi vấn ở Sơn La, ông Lê Trường Tùng cho rằng, điểm thi ở Sơn La không bất thường quá lớn như ở Hà Giang, vì vậy điều quan trọng bây giờ ở Sơn La là với những bài thi nghi vấn điểm cao bất thường thì rà soát kỹ, nhất là bài thi gốc.
Cần đặt nghi vấn là liệu có sự sửa bài trước khi quét dữ liệu để gửi về cho Bộ GD-ĐT hay không. Nếu sửa với số lượng tương tối lớn thì sẽ có dấu vết tẩy câu trả lời cũ, tô lại câu trả lời mới, như vậy tổ công tác phải “chịu khó” soi, trước mắt soi lại những bài thi có điểm thi cao bất thường thì sẽ tìm ra dấu vết.
“Nhưng khó là phục hồi lại bài thi cũ, cần nhận dạng đúng dấu vết tẩy xóa. Dĩ nhiên không thể chính xác 100% và mất nhiều công sức”, ông Tùng nhận định.