Kon Tum đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ

Ngày 1-7, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị xem xét, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc theo đề nghị của các chủ đầu tư nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum.
Thủy điện Đắk Trưa của Công ty Thủy điện Đức Bảo xây dựng là thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum

Thủy điện Đắk Trưa của Công ty Thủy điện Đức Bảo xây dựng là thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum

Theo đó, 10 chủ đầu tư các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ TN-MT, EVNCPC, Cục Quản lý Tài nguyên nước để báo cáo các vấn đề vướng mắc mà các thủy điện gặp phải.

Các chủ đầu tư cho rằng, từ tháng 3-2023 đến nay, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải (không được mua điện - PV), không được Công ty điện lực Kon Tum huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và giấy phép hoạt động điện lực cũng như giấy phép khai thác nước mặt. Để tránh bị sa thải, các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế.

Nguyên nhân của việc phát vượt công suất là các nhà máy phát điện theo công suất thiết kế tối đa nhưng do lưu lượng nước về đột ngột dẫn đến công suất tua bin cao hơn công suất thiết kế. Đây là nguyên nhân khách quan, do yếu tố thời tiết.

Theo các chủ đầu tư, lòng hồ của các dự án thủy điện nhỏ không chứa được nhiều nước nên khi có mưa là thường xuyên bị tràn xả thừa vào giờ cao điểm và thấp điểm. Điều này gây lãng phí tài nguyên phát điện, làm mất nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đây cũng là nguồn điện ổn định, giá rẻ nhất cho điện lưới quốc gia, cũng là nguồn điện đưa lên lưới điện nhanh nhất.

Trong khi đó, theo Điều 79, Thông tư 40/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương, trừ trường hợp xảy ra quá tải hoặc ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện, thì cho phép nhà máy điện được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được tự điều khiển phát công suất tác dụng.

Việc phát vượt công suất đã được tính toán trong báo cáo kinh tế khả thi của dự án, đã được các cấp quản lý nhà nước thẩm định phê duyệt, mức phát vượt từ 10% – 20% so với công suất thiết kế.

Qua đó, các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ ở Kon Tum đề nghị EVNCPC xem xét trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép, nhất là trong tình trạng bối cảnh thiếu điện như hiện nay.

Các chủ đầu tư cũng đề nghị được phép phát lớn hơn điện lượng trung bình năm được phê duyệt đối với các năm có lượng nước đến nhiều; thanh toán sản lượng phát vượt đã huy động.

Ông Lê Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương Kon Tum) cho biết, hàng năm, các thủy điện trên địa bàn đóng góp ngân sách trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, các thủy điện vừa và nhỏ là 330 tỷ đồng. Việc các nhà máy thủy điện bị tiết giảm, sa thải trong khi lưu lượng nước đổ về lớn là lãng phí, làm thất thu nguồn ngân sách.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, qua quá trình giám sát trên cơ sở hợp đồng mua bán điện, đã phát hiện một số nhà máy phát điện vượt quá công suất theo hợp đồng đã ký kết nên Điện lực Kon Tum đã sa thải. Sau khi giải trình hợp lý thì đã đồng ý cho phát điện lại.

Tin cùng chuyên mục