Ngày 23-4, nguồn tin của Báo SGGP cho hay, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum (đơn vị ra quyết định khởi tố vụ án huỷ hoại rừng liên quan đến việc tích nước lòng hồ tại Thủy điện Thượng Kon Tum làm hơn 25 hecta rừng bị chết) đã có đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp để tiếp tục điều tra, xử lý vụ án hình sự.
Theo hồ sơ phóng viên thu thập cho thấy, quá trình xác định diện tích thiệt hại và xác định rừng chết do việc tích nước gặp khó và kéo dài vì nhiều lý do, trong đó có việc chủ đầu tư thuỷ điện chậm liên hệ để giải quyết.
Theo đó, khi kiểm tra và phát hiện khoảng 15 hecta rừng bị chết và ảnh hưởng do việc tích nước lòng hồ Thuỷ điện Thượng Kon Tum, vào ngày 7-6-2021, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plong (huyện Kon Plông, một trong ba đơn vị chủ rừng có rừng bị chết do thuỷ điện tích nước) đã có văn bản gửi Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (tỉnh Bình Định, gọi tắt là Công ty VSH, chủ đầu tư Thuỷ điện Thượng Kon Tum) đề nghị phối hợp kiểm tra. Tuy nhiên, sau kiểm tra, cán bộ của công ty thuỷ điện này không thống nhất ký biên bản.
Đến ngày 18-6-2021, chủ rừng tiếp tục có văn bản gửi Công ty VSH để làm việc và kiểm tra hiện trường nhưng kết quả kiểm tra vẫn không được chủ đầu tư thuỷ điện thống nhất.
Đến cuối tháng 6-2021, chủ rừng tiếp tục có văn bản gửi chủ đầu tư thuỷ điện đến làm việc, xác định hiện trường nhưng chủ đầu tư đề nghị dời thời gian làm việc và sẽ có trách nhiệm liên hệ đăng ký làm việc trong khoảng thời gian cho phép…
Nhưng từ đó đến ngày 20-8-2021, Công ty VSH vẫn không liên hệ với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông để giải quyết, buộc chủ rừng phải báo lên UBND tỉnh, Sở NN-PTNT.
Vào khoảng giữa tháng 1-2022, trước khi Chi cục Kiểm lâm Kon Tum khởi tố vụ án huỷ hoại rừng, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty VSH đã giải trình lên UBND tỉnh Kon Tum liên quan đến việc tích nước của thuỷ điện này.
Công ty này thừa nhận trong quá trình tích nước để phát điện đã xảy ra tình trạng một số diện tích ven lòng hồ có cây chết. Họ cho rằng, đối với trường hợp cây chết dưới mực nước dâng bình thường 1.160m, trường hợp này theo đúng quy định, không phải thực hiện biện pháp gì thêm.
Đối với cây chết trên mực nước dâng bình thường 1.160m, có thể do nước dền, sóng đánh, gây úng làm chết cây; một số đồi dốc núi đứng, nước thấm gây sụt lở đất cũng gây ngập úng và cây chết; xác cây thu dọn chưa sạch trôi vào bờ cũng gây chết cây... những trường hợp này xảy ra ngoài dự tính của con người.
Công ty VSH có trách nhiệm cùng với các đơn vị liên quan xác định số diện tích rừng có cây chết để bồi thường, trồng lại rừng theo đúng quy định…
Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy (đóng tại huyện Kon Rẫy, nơi quản lý 3,39ha rừng tự nhiên bị chết do tích nước thuỷ điện) cho biết, công ty đã đưa diện tích rừng bị chết nói trên ra khỏi diện được cung ứng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021. Hiện đơn vị đang chờ công an thụ lý hồ sơ xong thì mới biết hướng xử lý diện tích rừng bị chết này như thế nào.