Tại Kon Tum, để giúp dân vùng sạt lở an cư, nhiều địa phương đã xây dựng các khu tái định cư, nhưng nhiều nơi chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, trong đó có Khu tái định cư Măng Rao (xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).
Khu tái định cư Măng Rao do UBND huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) làm chủ đầu tư, xây dựng năm 2012, đưa vào hoạt động năm 2014, vốn đầu tư khoảng 16 tỷ đồng, nhằm di dời 64 hộ dân thôn Đăk Đoát (xã Đăk Pék) nằm trong vùng ảnh hưởng ngập, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. Khu tái định cư được đầu tư khang trang, đầy đủ điện nước.
Mỗi hộ dân khi chuyển về khu tái định cư sẽ được nhà nước cấp đất ở với diện tích từ 280m2 đến 320m2 và hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà ở. Từ số tiền hỗ trợ nói trên, người dân bỏ thêm kinh phí để xây dựng nhà kiên cố. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 hộ dân đến khu tái định cư ở.
Những ngày này, phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại khu tái định cư và chứng kiến khung cảnh hoang tàn. Các căn nhà xây dựng thành từng dãy, hiện không có người ở, bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng. Các căn nhà này hiện chỉ còn phần khung, còn mái nhà, cửa đã không còn, cỏ mọc um tùm.
Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pék cho biết, thời điểm khoảng 3 năm đầu, nhiều hộ dân cũng đến ở, nhưng do một số bất cập như khu sản xuất xa chỗ ở nên người dân quay lại làng cũ sinh sống, đến nay chỉ còn 1 hộ ở khu tái định cư. Dự án tái định cư chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, có trách nhiệm một phần của xã. Lý do vì khi đề xuất dự án, đã chưa tính toán đến các bất cập như khu tái định cư xa khu sản xuất, mà chỉ tính toán đến việc làm sao triển khai dự án nhanh để đảm bảo an toàn cho dân.
“Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động dân đến khu tái định cư ở. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất UBND huyện bàn giao về cho địa phương phần đất dư tại khu tái định cư để cấp cho các hộ dân thôn khác thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ sạt lở hoặc hộ nghèo, cận nghèo”, ông Nghĩa nói.