Kon Tum chỉ đạo ứng phó với bão số 6

Để ứng phó với bão số 6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đề nghị các huyện, thành phố triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn cho hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

ttttt.jpeg
Ngầm Kô Chất (xã Măng Bút) bị ngập, xe ô tô không thể qua ngầm

Ngày 27-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6, từ chiều ngày 26 đến sáng sớm ngày 27-10, trên địa bàn có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Dự báo trong 24 giờ tới, trên địa bàn tiếp tục có mưa.

Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa xảy ra thiệt hại do cơn bão số 6 gây ra.

Để ứng phó với bão số 6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đề nghị UBND các huyện, thành phố, các chủ quản lý khai thác hồ, đập trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để triển khai phương án đảm bảo an toàn, vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, phòng, chống ngập lụt.

Bên cạnh đó, cần tổ chức rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng, qua đó có phương án ứng phó phù hợp.

Ngoài ra, cần xác định công trình trọng điểm có nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lũ lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó, đảm bảo an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ, đập thủy lợi đang thi công, xung yếu. Đối với các hồ chứa xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét tích nước hạn chế hoặc không tích nước.

Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt. Đối với các hồ chứa có cửa van xả lũ, căn cứ vào tình hình dự báo mưa để thực hiện điều chỉnh mực nước hồ nhằm chủ động đón lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố để kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ, nắm chắc tình hình diễn biến mưa lũ, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý khi có tình huống xảy ra.

Sáng ngày 27-10, ông Đỗ Sum, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn đã xảy ra mưa. UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, khoanh vùng các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng để sẵn sàng di dời dân.

Trưa ngày 27-10, bà Trần Lan Phương, Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết, từ 1 giờ 30 đến 5 giờ sáng cùng ngày, trên địa bàn xã xảy ra mưa to, gió lớn. Đến 6 giờ sáng, xã đã huy động các lực lượng xuống thôn kiểm tra tình hình mưa bão, các điểm xung yếu nguy cơ sạt lở, các ngầm qua sông, suối. Đến thời điểm hiện tại, gió vẫn rất mạnh, nước sông, suối vẫn đang dâng cao.

Ngầm Kô Chất (thuộc Tuyến đường Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh, đoạn qua xã Măng Bút) hiện tại do nước dâng, nên ô tô, xe tải chở hàng không thể qua ngầm, đậu 2 bên đường. Người dân chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ qua cầu treo bên cạnh.

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho người dân, Đảng ủy xã đã cử người túc trực ở ngầm tràn để khuyến cáo, không cho người dân qua ngầm; cử lực lượng xuống thôn để vận động bà con không qua sông, qua suối…

Tin cùng chuyên mục