Hội thi diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 12 đến ngày 14-12). Tại hội thi, khoảng 800 nghệ nhân của 10 đoàn thuộc 10 huyện, thành phố tham gia tranh tài 2 loại hình, gồm thi cồng chiêng, múa xoang và thi trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của các DTTS.
Với phần thi cồng chiêng, múa xoang, mỗi đội nghệ nhân tham gia xây dựng một chương trình biểu diễn tối thiểu 3 tiết mục, gồm phần trình diễn các tiết mục cồng chiêng, xoang; hòa tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng; các làn điệu dân ca truyền thống được đệm cồng chiêng.
Với phần thi trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của các DTTS, các đội tham gia sẽ lựa chọn và dàn dựng, giới thiệu một lễ hội hoặc nghi thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc tại địa phương mình. Việc tái hiện các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống yêu cầu phải gìn giữ tối đa bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phát huy các yếu tố tích cực, loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.
Hội thi nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh; là dịp để các thế hệ nghệ nhân được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng.