Mặc dù công việc này là cả một quá trình, không thể một sớm một chiều, nhưng khi chứng kiến các lực lượng chức năng cùng phương tiện hiện đại của quân đội tiến hành tẩy độc, bà con địa phương cũng phần nào vơi đi sự lo lắng.
Những ngày vừa qua, người dân ở 2 phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung luôn sống trong tâm trạng bất an và bức xúc. Thậm chí, nhiều người vì lo lắng cho sức khỏe bản thân và người thân do môi trường bị ô nhiễm hóa chất đã vội rao bán nhà, hoặc cho thuê; nhiều gia đình có trẻ nhỏ tìm cách chuyển trường, hoặc tạm cho trẻ nghỉ học.
Rõ ràng, sự bất an của người dân và dư luận xã hội trong những ngày qua là có căn cứ, khi mà các thông tin, thông điệp khuyến cáo về môi trường, sức khỏe sau vụ cháy của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp mâu thuẫn nhau, mỗi nơi một kiểu, khiến người dân không biết tin vào cơ sở nào. Việc thiếu minh bạch thông tin, không nhất quán không chỉ khiến cộng đồng lo lắng, bức xúc mà còn thể hiện sự lúng túng, bị động của các các cơ quan chức năng, chính quyền và doanh nghiệp trước một sự cố về môi trường.
Một khi xảy ra sự cố môi trường, phát tán hóa chất có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người thì song song với các hoạt động ứng cứu, giải quyết hậu quả, một động thái cần có của cơ quan chức năng và chính quyền là kịp thời đưa ra thông báo tới người dân. Những thông báo kịp thời, chính xác, khách quan và được cập nhật thường xuyên không chỉ có tác dụng ổn định tình hình địa phương mà còn thể hiện trách nhiệm ứng phó của cơ quan chức năng, củng cố niềm tin của người dân. Thế nhưng, trong sự cố môi trường này, người dân và dư luận đã thấy sự bất nhất, lúng túng của chính quyền quận Thanh Xuân, TP Hà Nội và nhiều cơ quan chức năng của Hà Nội, dẫn tới sự nhiễu loạn thông tin, khiến hậu quả xảy ra sau vụ cháy đã nghiêm trọng lại càng nặng nề hơn.
Hơn nữa, vụ hỏa hoạn tại Công ty Rạng Đông cũng để lại bài học đắt giá về công tác ứng phó, sự sẵn sàng trước các sự cố môi trường. Thực tế lâu nay tại rất nhiều doanh nghiệp chỉ mới quan tâm vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất để thu được lợi nhuận tốt nhất mà xem nhẹ kế hoạch ứng phó sự cố môi trường. Nhiều cơ quan chức năng và các cấp chính quyền cũng chưa có các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ nội dung này, đặc biệt là việc di dời cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư lẽ ra phải thực hiện từ lâu, nên khi sự cố xảy ra đã lúng túng, chậm chạp trong xử lý, khắc phục hậu quả làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Vì thế, sau sự cố môi trường này, cần thành lập đơn vị phản ứng nhanh có sự phối hợp liên ngành và các thành viên đội phản ứng phải được huấn luyện và diễn tập thường xuyên.
Trước sự bất an của người dân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm, nguyên nhân vụ cháy, trách nhiệm liên quan và các biện pháp khắc phục. UBND TP Hà Nội được giao làm đầu mối công khai kịp thời thông tin về sự cố môi trường; chủ động phối hợp các bộ, ngành chức năng để kịp thời ra khuyến cáo áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng do sự cố… Đây là những chỉ đạo rất cần thiết của Chính phủ đối với UBND TP Hà Nội không chỉ để nhanh chóng khắc phục được hậu quả vụ cháy, mà còn lấy lại lòng tin của nhân dân, ổn định tình hình địa phương và xã hội. Đây cũng là việc làm mà lẽ ra TP Hà Nội và các cơ quan chức năng cần phải rốt ráo thực hiện nghiêm túc, khách quan ngay sau khi hỏa hoạn xảy ra, chứ không phải chờ sự chỉ đạo từ Chính phủ.