Mong sớm vượt qua dịch bệnh
Căn phòng trọ chừng 10m² thuộc tổ 5A, đường Đình Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) là nơi tá túc của gia đình công nhân Trần Thị Danh (40 tuổi, quê Sóc Trăng).
“Giá thuê 1,6 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước. Bình thường, hai vợ chồng đều tăng ca mới đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và nuôi một đứa con đang tuổi ăn học. Nhưng từ ngày dịch bệnh bùng phát, tui mất việc làm, chỉ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng”, chị Danh tâm sự.
Cũng đang trọ tại phường Tăng Nhơn Phú B, chị Trần Thị Hậu (25 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) làm công nhân may mặc nhưng công ty đã tạm dừng hoạt động gần 3 tháng nay. “Thu nhập không có nên chi tiêu hết sức tiết kiệm, đạm bạc qua ngày. Trong khi phải trả tiền thuê, tiền điện nước sinh hoạt mỗi tháng. Tình trạng này kéo dài chắc khó khăn nhiều”, chị Hậu tâm tư.
Rảo qua nhiều khu trọ khác ở TPHCM, chúng tôi nhận thấy đa phần người bám trụ ở lại thành phố là lao động tự do, công nhân và đang đối diện với cuộc sống khá chật vật. Khu trọ ở địa chỉ 126, đường Trần Thanh Mại, khu phố 2, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân có 88 phòng với hàng trăm công nhân, người lao động sinh sống. Hầu hết trong số họ bị mất việc làm từ khi bùng phát dịch Covid-19.
Chị Lê Thị Tuyết Vân (cư dân khu trọ) cho biết, do mất việc làm hơn một tháng nay nên 2 mẹ con dè sẻn hết mức. Tuy nhiên, chị vẫn cố gắng bám trụ, chấp nhận mọi khó khăn để vượt qua đại dịch, mong sớm đi làm trở lại.
Nhanh chóng rà soát trường hợp cần giúp
Niềm an ủi lớn nhất của nhiều công nhân, lao động ở trọ hiện nay là được phần lớn chủ nhà trọ giảm giá thuê, hỗ trợ nhu yếu phẩm để vượt qua giai đoạn khó khăn. Với tình hình dịch còn kéo dài thì bất cứ sự trợ giúp nào hiện tại đều rất đáng quý.
Anh Nguyễn Thành Luân (công nhân thuê trọ tại tổ 5A đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) cho hay: “Tiền trọ, chi phí sinh hoạt, chi phí cho vợ đang nằm viện đang đè nặng. Nếu không được hỗ trợ gia đình tôi khó khăn trăm bề”. Bà Khứu Thị Hữu (chủ nhà trọ tổ 5A) cho biết, đa phần người thuê trọ là công nhân. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên họ đã thất nghiệp hơn 2 tháng nay, người may mắn về quê được, phần đông phải ở lại và thực hiện giãn cách.
“Tôi đã giảm tiền trọ và sẽ hỗ trợ thêm lương thực thời gian tới để chia sẻ khó khăn với người thuê trọ”, bà Hữu cho biết.
Chia sẻ với công nhân, người lao động, bà Phan Thị Mỹ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) cho biết, MTTQ phường đã vận động từ nhiều nguồn để có nhu yếu phẩm hỗ trợ công nhân, nhất là công nhân bị ngừng việc, mất việc làm. Mặt khác, tiếp tục rà soát đối tượng công nhân ở các khu trọ trên địa bàn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 để kịp thời thăm hỏi, động viên.
Bà Lê Thị Lan Hương, Bí thư Chi bộ Khu phố 3 (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) cho biết, đang tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ công nhân gặp khó khăn trong khu phong tỏa. “Là khu vực tập trung nhiều công nhân nên khu phố phối hợp với các tổ Covid-19 cộng đồng tiếp cận, hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn”, bà Hương nói.
Tại dãy trọ ở 37/21A, đường C1, phường 13, quận Tân Bình, nơi có hàng chục công nhân, người lao động thất nghiệp nhiều tháng qua, chính quyền địa phương cũng kịp thời nắm tình hình, lập danh sách để hỗ trợ, kết hợp nhà hảo tâm tặng thực phẩm thiết yếu để người dân an tâm vượt dịch.
Ông Trương Ngọc Diệp (Tổ trưởng tổ dân phố 58, khu phố 8, phường 5, quận Gò Vấp) cho biết, đã lập danh sách lao động tự do gặp khó khăn gửi về phường để kịp thời hỗ trợ, có người đã nhận được tiền.
Từ khi bùng phát dịch Covid-19, chính quyền TPHCM đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có công nhân, lao động tự do. Tuy nhiên nhiều người trong số họ vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là những người ở các khu trọ. Vì vậy, rất mong chính quyền các cấp cần tiếp tục rà soát, kịp thời có biện pháp hỗ trợ linh hoạt để họ vượt qua đại dịch, tiếp tục đóng góp cho TPHCM.
Tổ công tác của Bộ NN-PTNN vừa có thư ngỏ gởi Sở NN-PTNN các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và các doanh nghiệp lớn, kêu gọi chung tay hỗ trợ thực phẩm cho công nhân lao động đang gặp khó khăn tại TPHCM. Hiện tại, TPHCM có hơn 384.000 phòng trọ với hơn 1.030.000 lao động đang lưu trú tạm thời. |