Hết bão, người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) ở rừng Phong Nha-Kẻ Bàng mất tích 2 người, đó là ông Đinh Nê và bà Y Rú. Cán bộ xã cùng dân bản tổ chức đi tìm.
4 ngày sau, Đinh Khinh, Đinh Tân, Đinh Cu mới tìm thấy họ ở trong hang đá với chút lương thực, thực phẩm hái lượm dưới núi đá vôi. Hai ông bà sinh tồn sâu trong hang đá bên suối Cà Ròng, nước lũ lên ngăn đường về bản, họ đành thúc thủ bên trong với cuộc sống tối thiểu, thức ăn chủ yếu là ốc khe, một ít bắp thu từ cái rẫy nhỏ cạnh hang.
Đinh Khinh nói: “Mấy anh em cán bộ của xã đi tìm, đến hang cũ nơi ông bà làm rẫy hay tá túc thì không thấy. Phải tìm mấy hang xung quanh mới thấy họ co ro cạnh bếp lửa đã tàn. Hang mới cách hang cũ xa lắm, lại không có gì để nấu, chỉ biết nướng bắp, nướng ốc rừng cầm bụng. Tìm được họ giữa rừng, ai cũng ôm chầm nhau ứa nước mắt vì cứ sợ ông bà bị lũ cuốn, không ngờ vẫn còn đây”.
Bà Y Rú nói: “Bão vào chỉ hai người ở hang, thật khó khăn, giữa rừng rậm cây gãy, gió rít lại càng sợ. May cán bộ xã đi tìm mà được về lại bản, về với dân làng, thiệt mừng cái bụng”.
“Đừng vào hang đá lạnh lẽo lắm”
Đó là câu nói của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang khi lên với đồng bào A Rem sau khi bão số 10 vừa tan. Ông gặp ngay vợ chồng ông Đinh Nê và tặng quà cho họ để động viên, an ủi.
Ngoài tặng quà cho các hộ bị sập nhà, tốc mái, đưa cái ăn trước mắt về với dân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉnh đốn huyện cần quan tâm hơn nữa đến bà con ở xã đặc biệt khó khăn này. Những nhà nào khó khăn, nhà cửa xuống cấp, ông Hoàng Đăng Quang đã yêu cầu cần làm mới nhằm giúp bà con yên tâm ở lại cắm bản, giữ gìn phên dậu quốc gia.
Ông Đinh A Lầu cho biết: “Bão lớn quá, nhà mình 11 người, mái nhà tốc sạch, trú bão về thấy cái gì cũng không còn, sợ bão quá lên báo cáo xã cho dắt cả nhà xuống hang ở. Bí thư xã Nguyễn Chí Sỹ ngồi với mình cả đêm tâm sự, dặn dò ở lại đây, huy động mọi người dựng lại nhà cửa cho mình, cho bà con, để có cuộc sống như trước khi có bão. Bà con mình bỏ vào hang thì còn ai bảo vệ bản đây. Thế là mình nghe, mình ở lại”.
Ông Đinh Đầu góp thêm: “Mình thấy bão làm bay sạch 35ha lúa rẫy chuẩn bị thu hoạch nên chán quá lên xã trình bày muốn vô hang mà ở chứ ở đây bão dập không còn gì. Ông Sỹ nói ở lại để dần ổn định, đây là quê hương dân mình rồi, Đảng và Nhà nước đầu tư điện mặt trời rồi, mấy hộ có ti vi rồi, ở lại thì khi có điện được coi ti vi, cái sáng của điện xua được cái tối, dân bản ở gần nhau khó khăn gì kêu nhau cũng gần, về hang có chuyện gì khó kêu nhau. Vậy là mình ở lại với bản”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thật sự cảm động khi nghe những câu chuyện như thế. Ông nói: “Bà con cứ yên tâm ở lại bản, cơn bão to nhất từ trước đến nay với anh em A Rem đã qua rồi, mọi chuyện đang được bộ đội biên phòng, xã, huyện cùng tỉnh lo chu đáo cho bà con. Ở lại để được chăm sóc y tế gần nhất, con cái học hành cái chữ chu đáo”, nghe vậy bà Y Le lên tiếng: “Nhà mình hứa với cán bộ Quang ở lại đây không đi đâu lạnh lẽo nữa”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình mừng khi vào góc bếp bà con còn đầy gạo vừa đưa lên trước bão, tuy chái bếp còn thiếu thốn, nhưng cái ăn thật không bị eo hẹp trong thiên tai.