Ông CÔNG LÝ, quận Tân Phú, TPHCM: Quản lý, sử dụng hiệu quả mạng xã hội
Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của rất nhiều người. Bên cạnh những lợi ích cực lớn như chính phủ điện tử, kinh doanh không biên giới, giải trí đa phương tiện, kết nối liên quốc gia, chia sẻ các giải pháp giải quyết các vấn đề lợi ích và xung đột toàn cầu..., mạng xã hội cũng là một thế giới ẩn chứa nhiều hiểm họa, nếu không có những rào cản pháp luật và đạo đức thì nguy cơ của sự tàn phá có tính hủy diệt cũng rất đáng sợ, cụ thể như châm ngòi, kích động biểu tình bạo động, gây chia rẽ, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội... Nhiều nước đã luật hóa để xử lý những mặt trái, tiêu cực gây ảnh hưởng đến các dòng chảy phát triển của xã hội.
Chúng ta cần khai thác mặt tích cực để phục vụ công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, đồng thời ngăn chặn những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ truyền thông xã hội. Tôi đồng tình với tác giả bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” về 5 giải pháp khai thác và quản lý mạng xã hội.
Đồng thời tôi cũng xin góp ý về việc sử dụng mạng xã hội thận trọng và vì lợi ích chân chính. Theo tôi, các chế tài điều chỉnh trực tiếp hành vi sử dụng mạng như Luật An ninh mạng nên được cụ thể hóa và tuyên truyền phổ biến tới từng người dùng mạng xã hội. Khi đã thấu hiểu, họ sẽ chấp hành tốt hơn mọi quy định và chính họ sẽ thông tin, tuyên truyền với người khác cũng chấp hành mọi quy định.
Nền tảng đạo đức vẫn luôn là cốt lõi của mọi vấn đề. Cần xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, đào tạo phù hợp với chuẩn mực mới của thời đại, để mọi công dân có ý thức hợp tác thực thi pháp luật, sử dụng mạng xã hội thận trọng và vì lợi ích chân chính.
Ông NGUYỄN BÁ DUY PHƯƠNG, Hội Chữ thập đỏ, quận 3, TPHCM: Báo chí xác tín thông tin, định hướng dư luận
Trong dòng chảy thời sự, truyền thông xã hội vẫn âm thầm phát triển, với không ít thông tin sai lệch, đã ít nhiều làm lung lay lòng tin của người dân. Chính vì vậy, mục tiêu an dân cần được các cấp chính quyền đặt lên hàng đầu. Báo chí, truyền thông phát huy tốt hơn nữa vai trò xác tín thông tin, định hướng dư luận.
Muốn vậy, báo chí phải được cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời. Nhu cầu của người dân với truyền thông nói chung ngày càng cao, và trong thời bùng nổ truyền thông xã hội, hơn lúc nào hết, người dân rất cần thông tin chính thống, chuẩn xác, kịp thời từ cơ quan báo chí.
Thời gian gần đây, việc thông tin báo chí, họp báo hay các lần đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri đã có một số chuyển biến đáng kể. Các đại biểu đã không ngần ngại đề cập và trả lời các vấn đề bức xúc, thắc mắc của nhân dân. Trong khi trên mạng xã hội đang có nhiều tin giả, xuyên tạc về sức khỏe lãnh đạo, đồn đoán về nhân sự…, khiến dư luận bị nhiễu thông tin, các cử tri đã thẳng thắn nêu câu hỏi với các đồng chí lãnh đạo là đại biểu Quốc hội về những sự việc này và được trả lời cụ thể, nhờ đó giải tỏa được dư luận.
Với các tin giả do các thế lực thù địch tung ra để gây mâu thuẫn, kích động biểu tình, Ban Tuyên giáo Trung ương nên nhanh chóng có thông cáo, thông tin cụ thể cho các cơ quan báo chí để vô hiệu được ngay các tin giả, xuyên tạc, kịp thời trấn an dư luận, đáp ứng yêu cầu thông tin của người dân.
Chị LÊ BÙI THỊ THẢO NGUYÊN, quận 7, TPHCM: Cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch
Trong thời đại bùng nổ của truyền thông xã hội, rõ ràng các quốc gia đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về an ninh trật tự, ổn định xã hội và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đời sống vật chất được cải thiện, khả năng tiếp cận với thông tin và tầm nhận thức của công dân ngày càng tăng, dẫn đến việc bùng nổ thông tin trên các kênh truyền thông xã hội, khi mà ngày nay dường như ai cũng có thể trở thành “nhà báo” hay “người đưa tin” chỉ với một chiếc smartphone trên tay. Từ những “nguồn tin” chưa được kiểm chứng này, có khi gây chia rẽ, tạo hiệu ứng kích động xung đột, biểu tình bạo loạn.
Trước những nguy cơ, hệ lụy nguy hiểm như vậy, đang bộc lộ một thực tế là sự ứng phó chưa kịp thời và kém hiệu quả, thiếu thông tin từ những nguồn chính thống và có những cán bộ lãnh đạo địa phương sa sút uy tín khiến người dân mất niềm tin.
Chính vì vậy, thay vì chạy theo sau giải quyết những hậu quả mà các thế lực thù địch gây ra thông qua truyền thông xã hội, rất cần có những kênh thông tin chính thức, cung cấp đầy đủ và minh bạch thông tin về những vấn đề người dân đang quan tâm và những chủ trương sắp thực hiện. Cần có cổng thông tin chính thức để tiếp nhận, lắng nghe một cách nghiêm túc những phản ánh, bức xúc của người dân và có phản hồi nhanh chóng, thấu đáo, hợp tình hợp lý.
Chính phủ nên đóng vai trò là một kênh đi đầu, minh bạch, công khai, trực tiếp lên sóng thông tin, giải thích thấu đáo những vấn đề dư luận đang thắc mắc hay đang bị kích động. Như vậy sẽ củng cố niềm tin của nhân dân, đánh bật được các thông tin xuyên tạc, kích động.